Tờ Nikkei của Nhật Bản vừa đăng tải bài viết nói về bước phát triển của Quân đội Việt Nam, đặc biệt là bước tiến của công nghiệp quốc phòng (CNQP).
Theo tờ Nikkei, trong tiến trình hiện đại hóa Quân đội Việt Nam là việc thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị năm 2011 về việc "Xây dựng và phát triển Công nghiệp Quốc phòng tới năm 2020 và xa hơn nữa", mục đích của chương trình này là dần xây dựng "một ngành công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ và hiện đại".
Báo Nhật cho biết, trong tương lai, 80% vũ khí và thiết bị sẽ được cung cấp bởi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Nền công nghiệp quốc phòng còn non trẻ của Việt Nam đã trải qua một số sự kiện quan trọng trong những năm gần đây.
Năm 2015, Việt Nam đã giới thiệu chiếc máy bay không người lái (UAV) lớn nhất tự sản xuất, và phương tiện này sẽ sớm được bay thử nghiệm trên Biển Đông. Phát triển UAV là một lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu và Việt Nam đang khẩn trương bổ sung kiến thức trong lĩnh vực trinh sát biển.
Ngoài ra, đóng tàu là một lĩnh vực khác mà Việt Nam cũng đang chú trọng đầu tư. Trong mấy năm gần đây, nhà máy đóng tàu trong nước đã sản xuất các tàu tên lửa Molniya và tàu TT-400TP theo thiết kế của Nga. Cùng với đóng tàu cho Hải quân, Cảnh sát biển cũng được trang bị mới bằng những tàu hiện đại do Việt Nam tự đóng.
Đặc biệt, CNQP Việt Nam đã có thể tự sửa chữa và nâng cấp những chiến đấu cơ thế hệ mới. Năm 2013, Việt Nam đã khai trương dây chuyền bảo dưỡng trong nước với các loại máy bay chiến đấu Su-30 và Su-27 do Nga sản xuất.
Bước tiến của Việt Nam
Với tinh thần tự chủ, sáng tạo, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã sản xuất và cải tiến thành công nhiều vũ khí hiện đại đưa vào trang bị. Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Ngành Quân giới bước sang chặng đường phát triển mới - Ngành CNQP và sau này là Tổng cục CNQP.
Đặc biệt, đến những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Ngành CNQP đã có bước tiến quan trọng trong sản xuất quốc phòng và kinh tế. Các sản phẩm vũ khí trong chương trình vũ khí bộ binh như cối 100 mm, ĐKZ82, súng máy phòng không 12,7 mm, súng đại liên, trọng liên, phóng lựu... trang bị cho sư đoàn bộ binh đã được hoàn thành.
Năng lực sản xuất các sản phẩm vũ khí trang bị của Tổng cục được nâng lên rõ rệt; chất lượng sản phẩm từng bước ổn định và nâng cao; nhiều loại vũ khí mới đã được tổ chức sản xuất thành công, đáp ứng yêu cầu tác chiến của các lực lượng vũ trang thời kỳ mới.
Đặc biệt lĩnh vực đóng tàu quân sự của Tổng cục CNQP đã có bước đột phá, phát triển vượt bậc. Các cơ sở sản xuất đóng mới, sửa chữa tàu quân sự, tàu cứu hộ, cứu nạn... trang bị cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đồng thời góp phần tích cực vào triển khai thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam.
Trong công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, các viện nghiên cứu thuộc Tổng cục CNQP đã mở nhiều đề tài nghiên cứu, thiết kế các loại vũ khí thế hệ mới; phát triển nhiều dây chuyền sản xuất, công nghệ phục vụ sản xuất, cải tiến vũ khí bộ binh, khí tài, trang bị kỹ thuật cho bộ đội.
Những sản phẩm tiêu biểu như: Tên lửa, pháo binh, không quân, xe tăng; nghiên cứu vật liệu đặc chủng cho sản xuất quốc phòng; đã triển khai nghiên cứu hàng trăm công trình, đề tài cấp Tổng cục và cấp Bộ Quốc phòng, trong đó có 6 đề tài cấp Nhà nước.
Cùng với công tác nghiên cứu khoa học và quản lý kỹ thuật sản xuất quốc phòng, để tạo ra những thay đổi lớn trong sản xuất vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật, các nhà máy, đơn vị trực thuộc Tổng cục CNQP đã chủ động mua sắm nhiều dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, vừa đáp ứng tốt nhiệm vụ quốc phòng, vừa phục vụ kinh tế dân sinh.
Như vậy, trước yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Tổng cục CNQP đã kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường; đẩy mạnh sản xuất quốc phòng. Tổng cục CNQP xứng đáng là lực lượng quan trọng của Quân đội, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
theo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét