Thời gian qua, trên địa bàn cả
nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng đã xảy ra nhiều vụ việc xâm hại tình dục
trẻ em với những thủ đoạn tinh vi, tính chất phạm tội phức tạp. Trong đó, các đối
tượng thường lợi dụng mối quan hệ thân thiết, thậm chí là quan hệ ruột thịt với
nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Việc này gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến
tâm lý và sự phát triển chung của thế hệ trẻ. Các nạn nhân không chỉ hứng chịu
sự đau đớn về thể xác mà còn là nỗi ám ảnh về tinh thần, sự mặc cảm, thiếu tự
tin, thậm chí nhiều em đã tìm đến cái chết để giải thoát.
Xâm hại tình dục trẻ em có thể được hiểu một cách chung nhất
là sự xâm phạm, động chạm đến quyền tự do, đến nhu cầu phát triển tự nhiên của
trẻ em về quan hệ tính giao, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, nhân phẩm và danh
dự của trẻ em.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật trẻ em năm
2016 quy định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP
ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “Xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi
là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16
tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng
dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục
đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (ví dụ: hoạt động xâm hại tình dục
được thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi); do cưỡng bức, do hứa hẹn
các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho
điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ...)”.
Tội
phạm xâm hại tình dục trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi,
bổ sung năm 2017 gồm 5 điều luật, cụ thể: Điều 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16
tuổi); Điều 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 145
(Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ
13 đến dưới 16 tuổi); Điều 146 (Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi); Điều 147 (Tội
sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm). Trong đó, người phạm tội
hiếp dâm người dưới 16 tuổi và cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến
các vụ phạm tội xâm
hại tình dục trẻ em một phần là do các đối tượng
phạm tội có nhận thức pháp luật kém, ham muốn dục vọng thấp hèn, một bộ phận có
ý thức xem thường pháp luật, đạo đức, gia đình, xã hội; bên cạnh đó nhiều cấp ủy,
chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác
phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; sự phối hợp giữa gia đình, nhà
trường, xã hội và các ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống tội phạm xâm hại
tình dục trẻ em đôi lúc thiếu chặt chẽ, bị động, cộng với sự buông lỏng quản
lý, thiếu ý thức trách nhiệm, thậm chí bất lực, bỏ mặc của nhiều gia đình đối với
công tác giáo dục, quản lý, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em gái nói riêng;
nhiều trẻ em chưa được giáo dục về giới tính dẫn đến sống dễ dãi, buông thả và
chủ động cho người khác quan hệ tình dục, đây là những điều kiện thuận lợi dẫn
đến phát sinh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Trước tình hình trên, nhằm
thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
trên địa bàn tỉnh, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
-
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong
công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ
phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, có hiệu lực liên quan đến
bảo vệ trẻ em bằng nhiều biện pháp, hình thức phù hợp; kịp thời phát hiện các
thiếu sót, bất cập trong chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em và xử lý các
hành vi vi phạm, nhất là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em để tham mưu, đề xuất
cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
-
Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm
của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa
và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại, lạm dụng. Chú trọng hình thức tư vấn
và vận động trực tiếp đối với gia đình và nhà trường về kỹ năng bảo vệ trẻ em
khỏi bị xâm hại, qua đó giúp mọi người nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của
tệ nạn xâm hại tình dục và có ý thức tham gia vào việc phòng ngừa, ngăn chặn và
đấu tranh đối với tội phạm này.
-
Về phía nhà trường cần xây dựng các chương trình, kế hoạch giáo dục về kỹ năng
sống cho học sinh trong các hoạt động giáo dục trong năm học; phát huy vai trò,
trách nhiệm của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp; kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm,
nguyện vọng của từng học sinh. Tạo điều kiện để học sinh được bày tỏ ý kiến, hướng
dẫn các em biết cách quan tâm, chia sẻ với thầy cô, cha mẹ và bạn bè trước những
khó khăn gặp phải.
-
Đề cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế
gia đình bền vững. Cần phải trang bị cho con biết kỹ năng phòng vệ trước những
đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Cố gắng chia sẻ với con về giới
tính, tình dục tuổi mới lớn. Tránh bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ,
tôn trọng ý kiến của con, biết kiềm chế khi gặp phản ứng trước những căng thẳng
khó kiểm soát của con, cố gắng lắng nghe con nói, hiểu tâm, sinh lý của con
theo nhóm tuổi. Khi phát hiện vấn đề bất thường nghi vấn trẻ em bị xâm hại tình
dục thì báo cáo ngay cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để được giúp đỡ, hướng
dẫn, xử lý kịp thời.
- Các lực lượng chức năng
cần làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết thông tin, vụ việc liên quan tội phạm
về xâm hại tình dục trẻ em, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, góp
phần tạo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, xây dựng môi trường sống
lành mạnh, an toàn, hạn chế tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét