Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

 

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) khẳng định: Đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Ðảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang là một trong các nhiệm vụ quan trọng của toàn Ðảng, toàn dân. Trong bối cảnh phức tạp về thông tin hiện nay, để hoàn thành nhiệm vụ này, một trong các vấn đề cần đặt ra là phải luôn tỉnh táo khi tiếp xúc thông tin, không phụ họa theo nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái của thế lực thù địch. Để có được điều này, những người làm truyền thông cần nhận thức đúng, đủ về các quan điểm sai trái thù địch hiện nay, cũng như nắm chắc được đặc trưng của dư luận xã hội và giá trị của công tác định hướng dư luận, từ đó đạt hiệu quả trong hoạt động đấu tranh phản bác.


Quan điểm sai trái, thù địch hiện nay đang được biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Đó có thể là những quan điểm của các thế lực thù địch, hoặc những quan điểm sai trái do các phần tử phản động, thoái hóa, cơ hội chính trị, bất mãn gây ra, cũng có thể là những quan điểm sai trái nảy sinh từ trình độ nhận thức chính trị kém.

Trên thực tế, trong quá trình phát triển nhiều vấn đề xã hội nảy sinh như tranh chấp đất đai, mâu thuẫn dân tộc, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… tạo ra nhiều luồng tâm trạng, thái độ xã hội. Lợi dụng những vấn đề xã hội đó, các thế lực thù địch đã đưa ra các bài báo, thông tin xuyên tạc, nóng bỏng và nhạy cảm như luật an ninh mạng, hay những luận điệu xuyên tạc về tình hình kinh tế - xã hội, về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng quan tâm tiếp cận, lôi kéo tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên, học sinh sinh viên vì đây là lực lượng hùng hậu, là đội ngũ quan trọng trong xã hội, là những người có trình độ, có uy tín, được tiếp cận với nhiều luồng thông tin đa chiều nhưng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cũng có thể là giới văn nghệ sĩ yêu nước nhưng mơ hồ chính trị, cảm tính lấn át lý trí nên dễ bị thao túng, lôi kéo. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên thường khá nhanh nhạy trong việc tiếp thu các thông tin mới, cũng như những luồng tư tưởng mới trong xã hội, song khả năng phân tích và chọn lọc còn có những hạn chế. Nhiều sinh viên còn chưa hiểu sâu về chính trị, lập trường tư tưởng chưa vững vàng, nên dễ dao động, dễ bị lôi kéo... Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, khi mà sự phát triển như vũ bão của Internet với các kênh tiếp cận thông tin đa chiều nhưng độ chính xác khó kiểm chứng và các kênh để tự do ngôn luận như facebook, twitter… khiến việc kiểm soát và định hướng dư luận xã hội trở nên khó khăn nhưng lại vô cùng cần thiết.

Bởi vậy, định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay cần xác định những mục tiêu cơ bản, không chỉ giúp cho công chúng hình thành nhận thức đúng đắn mà còn thể hiện thái độ phù hợp, từ đó hình thành hành vi phát ngôn hợp lý với sự kiện, hiện tượng. Có thể thông qua uy tín của người lãnh đạo, thủ lĩnh nhóm xã hội, có thể qua sinh hoạt, hội họp của các tổ chức, bởi các tổ chức thường có tính thống nhất cao. Do đó, cần cung cấp thông tin kịp thời, chính thống, có tính chính xác cao, đồng thời phản bác lại các quan điểm lệch lạc, tin đồn nhảm, xuyên tạc. Đặc biệt, cần nhận thức rõ giá trị của các kênh truyền thông đại chúng trong việc định hướng tư tưởng của quần chúng Nhân dân để khai thác đúng đắn, đạt hiệu quả; và cũng cần quan tâm đến cả các kênh truyền thông không chính thống như các trang mạng xã hội facebook, zalo, twitter, yahoo… nhằm tăng cường viết bài định hướng dư luận xã hội tích cực, chia sẻ các bài viết thể hiện quan điểm xã hội đúng đắn, các tấm gương người tốt việc tốt, tạo bầu không khí tích cực trên môi trường mạng xã hội.

 Đương Như

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét