Thời gian gần đây, lừa đảo chiếm
đoạt tài sản trên không gian mạng xuất hiện thêm các hình thức lừa đảo, chiếm
đoạt tài sản có tính chất tinh vi, đa dạng, diễn biến phức tạp hơn so với thời
gian trước.
Đã xuất hiện các cuộc gọi từ
các đối tượng đến người dân tự nhận là nhân viên các công ty chứng khoán có tên
tuổi và mời gọi người dân tham gia các hội nhóm, các khóa học đầu tư chứng
khoán. Với khả năng “thuyết phục” đã được tập luyện, các đối tượng sẽ chèo kéo
đến khi nào người dân đồng ý và đề nghị được kết bạn với nạn nhân qua ứng dụng
Zalo để có thể thực hiện các trao đổi. Sau đó, để chiếm được niềm tin từ các
“nhà đầu tư” chúng giới thiệu những cơ hội đầu tư sinh lời cao, được mua các mã
cổ phiếu trên các sàn chứng khoán tại Việt Nam với giá thấp hơn giá đang giao dịch
trên thị trường. Để nhận được các ưu đãi trên thì các “nhà đầu tư” sẽ được hướng
dẫn truy cập vào đường link website hoặc các ứng dụng (App) trên thiết bị di động
mà chúng cung cấp, thường có tên gọi giống với tên của một số công ty chứng
khoán, một số quỹ đầu tư có danh tiếng.
Sau khi các nạn nhân đã hoàn
thành việc đăng ký và tài app, các đối tượng tiến hành lôi kéo các nạn nhân
tham gia đầu tư theo từng mã cổ phiếu có tiềm năng trên thị trường chứng khoán,
giải thích các nhóm đầu tư này được lập bởi các Quỹ đầu tư tài chính có tên tuổi,
hợp pháp và đang triển khai hợp tác kinh doanh với các Công tuy chứng khoán nên
được hỗ trợ và có ưu đãi cao về giá. Để tạo thêm niềm tin, các đối tượng sẽ gửi
cho các nạn nhân những hình ảnh có nội dung là giấy tờ pháp lý của Quỹ đầu tư
như: Giấy chứng nhận thành lập quỹ đầu tư do Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp;
Giấy phép kinh doanh hoạt động; Giấy chứng nhận của ngân hàng giám sát…; tài
khoản ngân hàng giao dịch cũng mang tên công ty. Các đối tượng cam kết các Quỹ
đầu tư hứa hẹn với nạn nhân đầu tư có lãi suất cao, nếu xảy ra trường hợp thua
lỗ sẽ được đền bù thiệt hại và giảm giá mua cổ phiếu từ 15% - 30% so với thị
trường. Với những hình ảnh các đối tượng đưa ra, nạn nhân nếu không tra cứu kỹ
càng sẽ thấy thông tin được cung cấp rất giống thông tin tra cứu trên mạng
Internet, qua đó làm tăng thêm niềm tin của nạn nhân vào hoạt động đầu tư này.
Bằng thủ đoạn tạo các giao dịch
ảo trên website và ứng dụng do các đối tượng cung cấp, khi nạn nhân nạp tiền
vào ứng dụng và tiến hành giao dịch, tài khoản trên website hay ứng dụng sẽ
liên tục báo lợi nhuận về, tuy nhiên khi các nạn nhân muốn rút tiền thì ứng dụng
sẽ báo lỗi hoặc báo chưa đủ hạn mức đối ứng của Quỹ. Sau đó thì các đối tượng sẽ
tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo các nạn nhân chuyển thêm tiền cho chúng với các lý do
như: Nộp sai nội dung nên hệ thống chưa ghi nhận được, nộp các khoản thuế, phí
để rút tiền… Nhiều nạn nhân sau khi đã tham gia đầu tư số tiền quá lớn, với suy
nghĩ tiếc tiền sẽ dễ dàng bị các đối tượng thao túng tâm lý và liên tục chuyển
thêm tiền với hi vọng là sẽ rút được số tiền đã đầu tư trước đó. Đến khi nạn
nhân không còn khả năng về mặt tài chính nữa, các đối tượng sẽ vô hiệu hóa tài
khoản của nạn nhân hoặc khiến cho tài khoản của nạn nhân không thể đăng nhập,
xóa tài khoản, chặn hết tất cả các hình thức liên lạc với nạn nhân, qua đó chiếm
đoạt toàn bộ số tiền mà nạn nhân đã thực hiện giao dịch.
Chung quy trong thời gian đầu,
các tổ chức lừa đảo sẽ đánh vào lòng tham, dẫn dụ người chơi bằng cách các sàn
đầu tư sẽ để người chơi sinh lợi cao. Khi người chơi tin tưởng, đầu tư với những
khoản tiền lớn thì các tổ chức lừa đảo dùng các chiêu thức để chiếm đoạt tiền.
Do đó, khuyến cáo người dân phải tìm hiểu thật kĩ càng trước khi tham gia đầu
tư các hoạt động đầu tư chứng khoán, tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ,
không tham gia các hội nhóm trên các trang web, trang mạng xã hội, các ứng dụng
(App) liên quan đến sàn giao dịch, không vì lợi nhuận cao mà tham gia huy động
tài chính để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp
luật, gây thiệt hại tài sản cho người tham gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét