Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2024

CUỘC CHIẾN CHỐNG THAM NHŨNG VÀ CÔNG CUỘC XÂY DỰNG CHỈNH ĐÓN ĐẢNG TẠO ĐÀ CHO SỰ ỔN ĐỊNH PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI GIAN TỚI

            Theo nghiên cứu của các chuyên gia trên các lĩnh vực thì hiện nay tham nhũng, tiêu cực bao gồm các loại:

Tham nhũng về kinh tế: dùng chức vụ và quyền hạn được giao, hạch sách, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tượng cần giải quyết các thủ tục hành chính để thu về tiền bạc, vật chất, hình thức chủ yếu: nhận phong bì, nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng, biệt thự, đất đai, ô tô...

Tham những quyền lực: đưa những người thân tín, họ hàng, người quen biết và người đút lót hối lộ vào giữ những chức vụ, vị trí quan trọng trong bộ máy của các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm vụ lợi.

Tham nhũng chính trị: người có quyền lực tác động vào các quyết định về cơ chế, chính sách, những quyết định nhằm thu lợi cho bản thân, gia đình, hoặc một nhóm người thông qua đề xuất các quy định về chính sách thuế, tiền lương, tiêu chuẩn bổ nhiệm, hưu trí, hoặc ra các quyết định đầu tư dự án lớn: xây dựng sân bay, cảng biển, bất động sản,...

Tháng 11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 10 chương với 96 điều để điều chỉnh các quy định về công tác đấu tranh, xử lý phòng chống tham nhũng (PCTN); trong đó cơ quan chuyên trách PCTN là Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực Trung ương và cấp tỉnh. Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban, 6 phó trưởng ban và 11 ủy viên đều là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, đồng thời là thủ trưởng các ban, ngành nội chính, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức... trong đó các cơ quan thuộc khối nội chính: Công an, Quân đội, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân là các cơ quan thường xuyên đấu tranh để bảo vệ Hiến pháp, pháp luật và đấu tranh PCTN; Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra đảng các cấp có nhiệm vụ kiểm tra mọi đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên theo thẩm quyền. Đồng thời, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp ủy.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp, giải pháp trong cuộc chiến chống tham nhũng và công cuộc xây dựng chỉnh đốn đảng đạt được nhiều thắng lợi đột phá với phương châm: Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào; làm từng bước, rõ đến đâu xử lý đến đó; nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc... phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; đã xử lý nhiều vụ việc, vụ án lớn được dư luận quần chúng nhân dân quan tâm và đánh giá cao; nạn tham nhũng đã bị ngăn chặn, đẩy lùi; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước được nâng lên. Bên cạnh những thành tựu đạt được; không ít các đối tượng xấu lợi dụng đả kích, cho rằng: Việt Nam từ nhiều năm qua ra quyết tâm chống tham nhũng nhưng vẫn có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật bằng nhiều hình thức do tham nhũng, phủ nhận kết quả đấu tranh PCTN, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta. Chúng rêu rao, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang ra sức phát động PCTN, tiêu cực nhưng đều không thành công, thậm chí, vấn nạn này ngày càng gia tăng rộng khắp. Bởi “bới” chỗ nào cũng ra tham nhũng, sờ đến đâu thì kỷ luật cán bộ đến đẩy. Viện dẫn bằng chứng cho những suy diễn đó, chúng chắp vá một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên được phát hiện trong thời gian gần đây, rồi quy chụp hiện tượng thành bản chất, quy chụp những sự vụ đơn lẻ thành lỗi hệ thống.

Tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta nhận diện là một quốc nạn, một trong bốn nguy cơ làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; công tác phòng, chống tham nhũng được xác định là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn và phức tạp. Để nâng cao công tác PCTN, tiêu cực thời gian tới, các cấp trong hệ thống chính trị cần phải thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên, thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội để cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng, giữ gìn được lối sống trong sạch, kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng và mọi tệ nạn xã hội, có sức “đề kháng” mạnh mẽ chống lại mọi suy thoái, biến chất.

Hai là, từng cấp ủy đảng tăng cường bám sát địa bàn, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị để phòng ngừa sai phạm.

Ba là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí, nhân dân trong giám sát việc thực thi pháp luật, thực hành các nhiệm vụ công, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng hay những vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí mà nhân dân quan tâm, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, thực hiện nghiêm Quy định số 08- QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc ở các cơ quan, đơn vị.

         Bốn là, hoàn thiện chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và lợi ích thiết thực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời cập nhật dữ liệu dân cư, định danh tài sản, ứng dụng có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ nhất là bất động sản; có cơ chế giám sát hoạt động tài chính bước đầu đối với cán bộ sau đó là toàn xã hội nhằm kiểm soát, phòng ngừa sai phạm tham nhũng, tiêu cực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét