Thứ Hai, 10 tháng 6, 2024

NGẪM VỀ CHỮ “TÂM” VỚI CHỮ “TÀI”

          Thời gian qua có không ít cán bộ từ Trung ương đến địa phương sai phạm bị xử lý kỉ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Con số 17.808 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bị kỉ luật trong năm 2023 mà Bộ Nội vụ công bố cho thấy vấn nạn này vẫn còn là một trong những thách thức, nhiệm vụ khó khăn để từng bước khắc phục và dần đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

          Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao đã có nhiều cán bộ bị xử lý nghiêm trước pháp luật nhưng vẫn còn không ít trường hợp vẫn cứ tiếp tục vi phạm? Rất khó để xác định nguyên nhân cụ thể vì trong những điều kiện khác nhau sẽ có những lý do khác nhau. Tuy nhiên nhìn nhận ở một góc độ chung nhất có thể thấy vì những nguyên nhân như sau:

          - Thứ nhất: ‘Tiền”. Không ai sống mà không có tiền, có thực mới vực được đạo. Nhưng xét một cách toàn diện và nhìn nhận sâu xa như Tổng Bí thư đã nói thì “tiền nhiều để làm gì, chết có mang theo được đâu” vậy mà vẫn có quá nhiều trường hợp “chết vì tiền”. Có chức quyền cao như Bộ trưởng này, hay tiền nhiều như Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty kia mà khi vướng vào lao lý thì cũng bằng không, thậm chí trở về số âm (âm về danh dự).

          - Thứ hai: “Quyền”. Bản chất con người ai cũng muốn có quyền lực, nếu dựa trên thực chất, năng lực, trên khả năng và kết quả phấn đấu của bản thân được tập thể tôn vinh thì rất xứng đáng, rất tuyệt vời. Còn có những người khả năng, tài cán không có mà vẫn cố “chạy” để bằng mọi giá lên được chức nọ, quyền kia thì tư cách, giá trị con người sẽ bị mất. Mà để chạy đầu nọ, luồn đầu kia thì chắc chắn phải làm điều sai trái, mờ ám mới có “xăng” để chạy.

          - Thứ ba: “Hão”. Thấy người ta có nhà cao, ta cũng phải làm sao có nhà cao, rồi thấy họ có xe hơi, ta đi làm cũng phải có xe hơi cho oách, thấy họ có con học trường danh giá thì con mình cũng phải tương đương... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm, tiêu cực, tham nhũng.

          Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO vinh danh Đại thi hào của dân tộc Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới, trong đó tác phẩm Truyện Kiều với 3254 thơ lục bát là tác phẩm kinh điển, dù được sáng tác vào đầu thế kỉ XIX, nhưng đến nay nó vẫn mang hơi thở của xã hội hiện đại. Mở Truyện Kiều cụ viết:

          “Trăm năm trong cõi người ta,

          Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”...

          Đến đoạn kết cụ nói rằng:

          ... “Ngẫm hay muôn sự tại trời,

          Trời kia đã bắt làm người có thân.

          Bắt phong trần phải phong trần,

          Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

          Có đâu thiên vị người nào,

          Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,

          Có tài mà cậy chi tài,

          Chữ tài liền với chữ tai một vần.

          Đã mang lấy nghiệp vào thân,

          Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

          Thiện căn ở tại lòng ta,

          Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”...

          Chiến dịch phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng vẫn còn dài, vì vậy mỗi người phải biết rằng ta là phong trần hay thanh cao chứ đừng mơ mộng hão huyền, còn nếu thực sự có tài thì xã hội sẽ công nhận chớ đừng “thượng đội, hạ đạp” để đạt mục tiêu cá nhân.

          Nên nhớ rằng không việc gì mình làm mà người khác không biết, nếu muốn người khác không biết thì đừng làm, rồi hậu quả mình nhận là tt yếu nhưng tội cho con cháu lại phải gánh cái nợ trần gian!

                                                                                          Ma Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét