Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2024

Nâng cao ý thức “đã uống rượu, bia thì không lái xe”

             Một trong những vấn đề có tác động đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông quan tâm đó là quy định về cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Thời gian qua trên cả nước ta, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông, không có trường hợp ngoại lệ đã góp phần làm giảm tai nạn giao thông, giảm gây rối trật tự công cộng góp phần giúp người dân giảm bớt nỗi lo khi tham gia giao thông. Bởi chính sự quyết liệt này nhằm bảo đảm an toàn giao thông và làm thay đổi ý thức người dân, xây dựng văn hoá giao thông “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Thực tiễn việc sử dụng rượu, bia ở nước ta được xem là một nét văn hoá truyền thống, là thói quen của một bộ phận người dân; hơn nữa các hoạt động sản xuất, tiêu thụ rượu, bia cũng đã góp phần không nhỏ cho nguồn thu của ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động. Việc quy định cấm tuyệt đối việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông sẽ làm giảm lớn mức tiêu thụ rượu, bia và có tác động nhất định đến đời sống, văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động.

Việc thực hiện quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” đã và đang góp phần ngăn ngừa những vụ tai nạn thảm khốc và ngăn ngừa nhiều hậu quả nặng nề đối với xã hội. Theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 2023 số vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, giảm 50% số người chết, giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.

Với phương châm tính mạng của con người là trên hết thì quy định cấm người sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là cần thiết. Và có thể nói, chúng ta đang nỗ lực để xây dựng văn hoá giao thông “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Việc triển khai thực hiện các văn bản của Luật giao thông đường bộ; Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới; Chỉ thị số 10-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới không chỉ là trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, địa phương, của các lực lượng chức năng mà là sự cố gắng, nỗ lực của toàn xã hội, đặc biệt là ý thức chấp hành nghiêm các luật của mỗi công dân.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét