Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

CHÊ GUÊVARA - KHÁT VỌNG ĐẤU TRANH CHO TỰ DO

Gần 50 năm kể từ khi bị sát hại, hình ảnh người “du kích anh hùng”, chiến sĩ quốc tế huyền thoại, người mang quốc tịch Cuba gốc Ác-hen-ti-na, lại trút hơi thở cuối cùng dưới bầu trời Bô-li-vi-a: Chê Guêvara vẫn sống, vẫn bất tử trong trái tim, trong suy nghĩ, trong niềm kính trọng sâu xa của nhân dân Cuba, nhân dân châu Mỹ và của cả nhân loại tiến bộ.



Chê Guêvara 

Đúng như lời tựa khi xuất bản cuốn “Nhật ký của Chê” còn gọi là “Nhật ký Bô-li-vi-a”, Phiđen viết: “Chê và tấm gương phi thường của Chê không ngừng lan tỏa trên toàn thế giới. Lý tưởng của Chê, hình ảnh của Chê và tên tuổi của Chê là khẩu hiệu trong cuộc đấu tranh của những người bị áp bức”. Còn theo nhà triết học Pháp Jean Paul Sartre thì Chê là: “Anh hùng đương đại vĩ đại nhất, là hiện thân của khát vọng giải phóng, khát vọng bình đẳng, khát vọng tự do”.


Thật vậy, Chê ngã xuống khi vừa tròn 39, cái tuổi mang trong mình biết bao khát vọng. Vì thế, sau khi cùng với những người cách mạng Cuba hoàn thành thắng lợi mục tiêu đập tan chế độ độc tài thân Mỹ Batita, giải phóng đất nước, Chê đã ngay lập tức bí mật chuẩn bị cho một cuộc trường chinh mới. Điều mà như ông đã bày tỏ trong lá thư gửi lại Phiđen trước lúc lên đường: “Giờ đây, các phần đất khác trên thế giới đòi hỏi sự đóng góp khiêm tốn của tôi. Tôi có thể làm được điều mà anh phải từ chối, vì anh còn phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu đất nước Cuba. Và vì thế, đã đến lúc chúng ta phải chia tay nhau…” và Chê đã bí mật rời khỏi Cuba mà không để lại bất kỳ dấu vết gì. Sự biến mất bí ẩn của Chê ngay lập tức làm dấy lên những đồn đoán, nhất là từ phía kẻ thù. Chúng “thêu dệt” đủ mọi loại bịa đặt, vu khống. Nào là Chê đã trở thành nạn nhân của một cuộc thanh trừng, nào là Chê đã bị bắt và bị thủ tiêu, nào là Chê đã chạy trốn khỏi Cuba vì bất đồng chính kiến...

Có thể nói, những đồn đoán của báo chí tư sản và các thế lực đứng đằng sau nó đã thực sự tạo ra những dấu hỏi lớn ngay trong dư luận Cuba và trong phong trào cách mạng. Thế nhưng, việc công khai phản bác lại những đồn đoán mang tính vu khống lại cũng không đơn giản, vì giữa một bên là bảo đảm yếu tố bí mật tuyệt đối cho hành trình mới của một tư lệnh cách mạng với một bên là giữ được uy tín, niềm tin về sự trong sáng của Ban lãnh đạo đối với Đảng và với nhân dân Cuba cũng như đối với phong trào cách mạng trước những “thêu dệt” có chủ ý của kẻ thù.

Cuối cùng, Phiđen và Ban lãnh đạo Cuba quyết định chọn phương án giữ thái độ im lặng. Song mọi sự cũng không thể kéo dài mãi được. Cho đến một ngày, đó là ngày 20/4/1965, trong khi đi chặt mía ở tỉnh Ca-Ma-Guây, lúc trả lời câu hỏi của các nhà báo nước ngoài quan tâm đến sự mất tích bí ẩn của Chê, lần đầu tiên Phiđen Cátxtơrô đã công khai về vấn đề này. Phiđen nói: “Điều duy nhất mà tôi có thể nói với các bạn về thiếu tá Chê rằng, thiếu tá bao giờ cũng có mặt ở nơi nào có lợi hơn cả cho cách mạng”. Lời tuyên bố của Phiđen trên thực tế đã gián tiếp xác nhận Chê không còn có mặt ở Cuba nữa. Cho đến đầu tháng 5/1965, bà Xê Lia - mẹ của Chê, từ bệnh viện ở Bu-e-nôt-ai-ret đã gọi dây nói đến La habana cho con trai. Người ta đã trả lời với bà rằng, Chê vẫn khỏe mạnh nhưng đang đi vắng, nếu có thể thì Chê sẽ gọi điện cho bà. Nhưng sau đó không lâu, ngày 10/5/1965, bà đã trút hơi thở cuối cùng. Bà đã không đợi được tiếng chuông điện thoại của Chê - người con trai yêu quý của bà.

Và đến ngày 3/10/1965, trong buổi lễ ra mắt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Phiđen quyết định công bố lá thư mà Chê đã bí mật gửi lại cho Phiđen cùng với một số lá thư khác. Phiđen nói: “Trong Ban Chấp hành Trung ương của chúng ta có một người có đủ mọi công lao ở mức cao nhất và có đủ mọi phẩm chất cần thiết để có mặt ở cơ quan này. Thế nhưng lại không có con người ấy trong số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương của chúng ta.

Xung quanh sự việc này, kẻ thù đã “thêu dệt” đủ mọi loại chuyện vu khống. Kẻ thù của chúng ta mưu toan làm cho mọi người bối rối, gieo rắc lo lắng và hoài nghi. Còn về phần chúng ta thì chúng ta đã chờ đợi, bởi vì cần phải chờ đợi.

Tất nhiên, nhân dân tín nhiệm và tin cậy chúng ta. Bởi chúng ta đã từng tuyên bố với nhân dân, lúc nhân dân bắt đầu nhận thấy sự vắng mặt của con người ấy, rằng chúng ta sẽ nói cho nhân dân biết tất cả vào một lúc cần thiết, còn bây giờ thì chúng ta có những lý do phải chờ đợi.

Và để làm sáng tỏ chuyện này, tôi sẽ đọc ra đây lá thư của đồng chí Chê Guêvara. Đây là lá thư viết tay, còn đây là lá thư đánh máy. Lá thư này sẽ nói lên tất cả”.

Dừng một chút, Phiđen nói tiếp: “Tôi đã đắn đo không biết nên kể lại ở đây về lịch sử tình bạn của chúng tôi, về tình bạn ấy đã chớm nở ra sao, trong hoàn cảnh nào và nó đã được phát triển như thế nào. Nhưng không cần phải dài dòng như vậy. Tôi chỉ cần đọc lá thư này thôi.

Ở đây lá thư không đề ngày, vì rằng nó sẽ được đọc vào lúc mà chúng ta cho là đúng lúc nhất. Nhưng nếu phải nói cho thật chính xác thì lá thư này đã được chuyển đến ngày 1 tháng 4 năm nay, tức là cách đây vừa đúng 6 tháng 2 ngày”.


Với niềm xúc động đặc biệt, Phiđen đọc toàn văn bức thư trong nước mắt trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba. Thư viết:


La habana
Năm Nông nghiệp

Phiđen!

Chính lúc này đây làm cho tôi nhớ lại nhiều điều, nhớ lại lúc tôi làm quen với anh tại nhà Ma-ri-ơ An-tô-ni-a, nhớ lại lúc anh đề nghị tôi lên đường, nhớ lại toàn bộ việc chuẩn bị căng thẳng.

Một hôm, có người hỏi chúng ta rằng trong trường hợp chúng ta bị chết thì phải báo tin cho ai, và lúc bấy giờ, cái khả năng rất thực tế của một sự kết thúc như vậy đã làm cho chúng ta phải sửng sốt.

Sau này, chúng ta đã biết rằng quả là có cái khả năng như vậy, rằng trong một cuộc cách mạng (nếu đó là cuộc cách mạng thật sự) thì hoặc là chết hoặc là tự do. Nhiều đồng chí đã nằm lại dọc con đường dẫn tới thắng lợi.

Bây giờ, tất cả những điều đó có một màu sắc ít bi đát hơn, vì rằng chúng ta đã chín chắn hơn, nhưng dù sao thì điều đó vẫn cứ lặp lại. Tôi cảm thấy rằng tôi đã hoàn thành được phần nào cái nghĩa vụ đã gắn bó tôi với Cách mạng Cuba ở trên lãnh thổ Cuba, và nay tôi xin từ biệt anh, từ biệt các đồng chí của anh, từ biệt nhân dân của anh và cũng là nhân dân của tôi.

Tôi chính thức từ bỏ chức vụ của mình trong Ban lãnh đạo Đảng, từ bỏ chức vụ bộ trưởng của mình, từ bỏ cấp bậc thiếu tá của mình, từ bỏ quốc tịch Cuba của mình. Về mặt chính thức, tôi không còn ràng buộc gì với Cuba nữa, ngoài những mối ràng buộc loại khác mà tôi không thể từ bỏ như tôi đã từ bỏ các chức vụ của mình.

Nhìn lại quãng đời đã qua của mình, tôi cho rằng tôi đã làm việc với đầy đủ trung thực và tận tâm để củng cố thắng lợi của cách mạng. Sai lầm nghiêm trọng duy nhất của tôi là việc tôi đã thiếu tin tưởng ở anh lúc chúng ta mới đặt chân đến Xi-ê-ra Ma-e-xlơ-ra và tôi đã thiếu nhanh chóng trong việc đánh giá những phẩm chất của người lãnh tụ và người cách mạng ở anh.

Tôi đã sống những ngày huy hoàng và lúc ở cạnh anh, tôi cảm thấy tự hào vì tôi đã thuộc về nhân dân chúng ta trong những ngày sáng chói và đau buồn của cuộc khủng hoảng Caribê. Ít khi mà thiên tài của người hoạt động nhà nước ở anh lại sáng ngời chói lọi như trong những ngày ấy, và tôi cũng lấy làm tự hào vì đã đi theo anh mà không hề do dự. Tôi đã suy nghĩ như anh, đã thấy và đã đánh giá những nguy cơ và những nguyên tắc như anh.

Giờ đây, các phần đất khác trên thế giới đòi hỏi sự đóng góp khiêm tốn của tôi. Tôi có thể làm điều mà anh phải từ chối vì anh còn phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu đất nước Cuba. Và vì thế đã đến lúc chúng ta phải chia tay nhau.

Anh biết cho rằng cùng với điều đó tôi cảm thấy vui buồn lẫn lộn: Tôi đã để lại đây những hy vọng tươi sáng nhất của mình - những hy vọng của một người xây dựng. Tôi đã để lại đây những người thân yêu nhất của mình… Tôi đã để lại đây một dân tộc đã từng tiếp nhận tôi như tiếp nhận một người con, và việc này khiến tôi rất đau lòng. Đến những chiến trường mới, tôi mang theo niềm tin mà anh đã truyền cho tôi, mang theo tinh thần cách mạng của dân tộc tôi, mang theo nhận thức rằng, tôi đã thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mình là chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc ở bất cứ nơi nào nó tồn tại. Điều này củng cố lòng quyết tâm của tôi và chữa khỏi nhanh gấp bội mọi nỗi đau đớn.

Tôi xin nói một lần nữa rằng tôi không còn một trách nhiệm nào đối với Cuba, trừ trách nhiệm liên quan đến tấm gương của Cuba. Và nếu cái giờ phút cuối cùng đến với tôi ở dưới bầu trời khác thì ý nghĩ cuối cùng của tôi sẽ hướng về nhân dân Cuba và đặc biệt là hướng về anh. Tôi cảm ơn anh về những lời giáo huấn của anh và về tấm gương của anh, tôi sẽ cố theo đến cùng những lời giáo huấn và tấm gương đó. Tôi bao giờ cũng nhất trí với chính sách đối ngoại của cuộc cách mạng chúng ta và cho đến nay, tôi vẫn nhất trí như vậy. Bất kỳ ở đâu, tôi vẫn cảm thấy trách nhiệm của mình như một người cách mạng Cuba và tôi sẽ hành động như một người cách mạng Cuba.

Tôi không để lại cho các con tôi và vợ tôi một tài sản nào cả, và tôi không lấy đó làm buồn. Tôi chẳng xin gì cho vợ con tôi, vì rằng nhà nước sẽ lo cho đầy đủ để vợ con tôi có thể sinh sống và học hành.

Tôi còn có thể nói nhiều điều với anh và với nhân dân chúng ta, nhưng tôi cảm thấy rằng việc đó không cần thiết; bởi lẽ không thể diễn đạt được tất cả những gì tôi muốn nói, và không nên phí giấy một cách vô ích.

Hẹn đến ngày toàn thắng! Tổ quốc hay là chết!
Ôm hôn anh với tất cả nhiệt tình cách mạng.

Đọc xong lá thư của Chê, Phiđen nói: “Đối với những kẻ thường coi những người cách mạng là những người lạnh lùng, không tình cảm, là những người không có trái tim thì lá thư này có thể dùng làm một bằng chứng về những tình cảm, lòng cao thượng và sự trong sạch ẩn náu trong tâm hồn người cách mạng…”.

Phiđen nói tiếp: “Đây không phải là lá thư duy nhất, cùng với lá thư này và sẽ được chuyển cùng với lúc công bố lá thư này, đồng chí Ec-nê-xto Chê Guêvara còn để lại cho chúng ta những lá thư từ biệt khác gửi cho một số đồng chí và ngoài ra, như Ec-nê-xto Chê Guêvara viết ở đây “Gửi các con của tôi” và “Gửi cho bố mẹ của tôi”, đó là những thư Chê viết riêng cho các con và bố mẹ của đồng chí. Chúng ta sẽ chuyển những lá thư này cho các đồng chí và các người thân thiết của Chê, và chúng ta sẽ đề nghị họ tặng những lá thư ấy cho cách mạng vì chúng ta cho rằng những tài liệu ấy đáng được giữ lại cho lịch sử.


Tôi cho rằng lá thư trên đây đã giải thích tất cả những gì chúng ta cần giải thích và vì vậy mà chúng ta sẽ không phải nói thêm điều gì nữa. Phần còn lại để mặc cho kẻ thù của chúng ta băn khoăn, thắc mắc. Còn về phía chúng ta, chúng ta có nghĩa vụ cùng với Ec-nê-xto Chê Guêvara tiếp tục hoàn thành những nhiệm vụ cần phải hoàn thành và tin rằng chúng ta sẽ hoàn thành nó một cách tốt nhất”.


Cả hội trường vang lên những tiếng hô lớn:
Tổ quốc hay là chết!
Chúng ta nhất định thắng!

Kể từ đó, cuộc chiến đấu chống lại áp bức, chống lại bất công vẫn tiếp diễn… Lúc ở Công Gô, khi ở Bô-li-vi-a và lại đến một ngày, ngày 9/10/1967 tức 2 năm và 6 tháng kể từ khi gửi lá thư từ biệt cho người đồng chí, người anh em thân thiết: Phiđen Cátxtơrô, Ec-nê-xto Chê Guêvara đã vĩnh viễn nằm lại dưới bầu trời Bô-li-vi-a lúc 13 giờ 10 bên trong phòng học của ngôi trường tiểu học thuộc làng La-I-ghê-ra sau loạt đạn bắn thẳng vào người ông của bọn lính đánh thuê dưới sự giám sát của nhân viên CIA FiLix ro dri-guer, sau khi ông bị thương và bị bắt một ngày trước đó.

Cái chết của Chê làm dấy lên làn sóng căm phẫn toàn châu Mỹ. Dư luận cho rằng, đó là một hành động không chỉ làm thỏa mãn sự thèm khát trả thù mà quan trọng hơn còn là vì chúng chắc chắn rằng, giết chết Chê để vĩnh viễn chôn vùi một biểu tượng.

Thế nhưng chúng đã hoàn toàn sai lầm khi quyết định sát hại Chê với tư cách là một chính khách, từng là trưởng phái đoàn Chính phủ Cuba tại Liên Hợp Quốc, là một tù binh trong chiến tranh, bị thương và bị bắt. Một sai lầm mà ngay cả cố vấn của Tổng thống Mỹ Lyn don B.Johnson đã gọi quyết định giết hại Chê là “ngu xuẩn”.

Còn nhớ, ngay sau khi bị sát hại, chính quyền thân Mỹ Bô-li-vi-a, được sự chỉ đạo trực tiếp của CIA, chúng ngay lập tức làm một khuôn mặt bằng thạch cao của Chê. Cùng với đó, chúng ra lệnh cắt hai bàn tay của Chê, còn thi hài Chê thì được quyết định phi tang ở một nơi nào không xác định. Trong khi trước đó, lúc bọn biệt kích tiến vào khe núi hẹp bất ngờ bắt sống Chê, khi Chê đang tự băng bó vết thương ở chân mình thì lúc đó chúng cũng đồng thời thu được chiếc túi Zech của Chê mang theo người mà hiện vật quan trọng nhất nằm trong chiếc túi đó chính là quyển “Nhật ký Bô-li-vi-a” của Chê.

Mọi mưu toan làm sai lệch nguyên bản quyển “Nhật ký Bô-li-vi-a” đã được hình thành ngay trong bộ máy CIA của Mỹ và chính quyền Bô-li-vi-a thân Mỹ. Bằng cách đó chúng muốn mọi người hiểu sai về tinh thần, tư tưởng, ý chí chiến đấu của một tư lệnh cách mạng, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi vì tự do tại vùng rừng núi phía tây Bô-li-vi-a. Thế nhưng mưu toan lũng đoạn ấy không thành, vì ngay lập tức quyển “Nhật ký Bô-li-vi-a” của Chê đã được photo nguyên bản và không biết bằng con đường nào đã đến Cuba, đến với lãnh tụ Phiđen Cátxtơrô. Cùng với phiên bản gốc của nhật ký là khuôn mặt bằng thạch cao và nhất là hai bàn tay của Chê được bảo quản cẩn thận để chuyển đến tận Cuba bằng một đường dây tuyệt mật.

Tất nhiên Phiđen cũng hoàn toàn bất ngờ khi tiếp nhận những bảo vật từ Bô-li-vi-a… Và không phải đợi lâu, ngay sau đó Phiđen biết rất rõ danh tính của con người vĩ đại, đặc biệt dũng cảm, mưu trí đã có những hành động phi thường trước sự theo dõi, giám sát dày đặc của mật vụ CIA và bọn tay sai của chính quyền Bô-li-vi-a thân Mỹ. Người đó không ai khác hơn chính là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bô-li-vi-a Ắc-ghê-đát. Người mà chỉ sau một thời gian ngắn, sau khi hoàn tất sứ mệnh lịch sử của mình đã bí mật rời khỏi Bô-li-vi-a sang Chi Lê. Từ Chi Lê đến Luân Đôn, sau đó đi New York rồi xuống Lima. Tại Lima, Ắc-ghê-đát đột nhiên tuyên bố ông sẽ trở về Bô-li-vi-a sẵn sàng đối mặt với phiên tòa xét xử ông ở La Pat xơ.

Trước tòa, ông hoàn toàn bình tĩnh khi trả lời các câu hỏi kết tội của quan tòa rằng:
- “Ông có phải là người theo chủ nghĩa cộng sản?”
- “Không! Tôi chỉ là người sùng bái Cac-Mac”.
- “Ông đánh giá Chê Guêvara là người như thế nào?”
- “Chê Guêvara là một vị anh hùng, là tấm gương của toàn châu Mỹ”.

Đó là những gì mà người ta biết được khi phiên tòa diễn ra, còn nội dung gì nữa thì hoàn toàn được giữ kín. Có điều sau khi kết thúc phiên tòa không lâu, ông được trả tự do và cũng chỉ thời gian ngắn sau đó, ông và cả gia đình quyết định định cư lâu dài trên đất nước Cuba.

Đặc biệt, ở Cuba, sau khi tiếp nhận những phần quan trọng của thân thể Chê, ngay lập tức Phiđen công bố rộng rãi “Nhật ký Bô-li-vi-a” của Chê với lời khẳng định nguyên bản 100% để đập tan ý đồ đen tối của kẻ thù. Và tại một cuộc mít tinh lớn của hàng triệu người dân Cuba diễn ra ở Quảng trường Cách Mạng ngày 19/10/1967, Phiđen chính thức công bố về hai bàn tay của Chê.

Trong bài phát biểu đặc biệt xúc động dành cho người bạn, người đồng chí thân thiết, Phiđen nói: “Bằng những con đường và quyết tâm đặc biệt, chúng ta đang rất hạnh phúc đón nhận hai bàn tay của một chiến sĩ cách mạng, hai bàn tay của một người anh hùng, hai bàn tay đã từng cầm súng chiến đấu trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi nhằm thủ tiêu chủ nghĩa đế quốc và sự bất công ở những nơi mà nó đang tồn tại. Hai bàn tay đã từng lao động quên mình để xây dựng lại Cuba sau chiến tranh tàn phá. Hai bàn tay đã từng viết lên bao kế hoạch khôi phục và phát triển đất nước thân yêu của chúng ta… Giờ đây, nhân dân Cuba có trách nhiệm giữ gìn hai bàn tay này cho đến khi nào châu Mỹ La tinh hoàn toàn giải phóng thì nhân dân châu Mỹ sẽ quyết định đặt hai bàn tay này ở đâu”.

Lời nói xé lòng của Phiđen đã làm cho hàng triệu trái tim xúc động mạnh và phải tròn 30 năm sau kể từ giờ phút lịch sử đau buồn ấy (1967-1997), với quyết tâm phi thường và sự cố gắng không mệt mỏi của Đảng và Chính phủ Cuba, hài cốt của Chê và 6 đồng đội của ông cũng được tìm thấy dưới một đoạn giao thông hào trên cánh rừng phía tây Bô-li-vi-a. Từ đây, hài cốt của ông và các đồng đội được đưa về Cuba trên một máy bay quân sự. Đích thân Phiđen cùng với nhiều nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba đã ra tận chân cầu thang máy bay đón Chê và những đồng đội. Ít ngày sau đó, một buổi lễ lớn diễn ra tại TP Sata Clara, Thủ phủ tỉnh Las Villas, nơi tháng 12/1958, dưới sự chỉ huy của Chê, nghĩa quân cách mạng Cuba đã tiến hành những trận đánh ác liệt, có ý nghĩa quyết định, dẫn tới thắng lợi hoàn toàn ngày 1/1/1959. Và tại mảnh đất lịch sử ghi đậm dấu ấn của người chỉ huy quân đội cách mạng Chê Guêvara, Đảng và Chính phủ Cuba đã cho xây dựng lăng tưởng niệm ông. Vào giờ phút thiêng liêng nhất, khi hài cốt của ông được đưa vào lăng - nơi yên nghỉ cuối cùng trong lòng đất mẹ Cuba - cả nước Cuba, từ nhà máy đến công trường, từ các loại tàu xe trong đất liền đến các chiến hạm trên biển… tất cả đều kéo còi vĩnh biệt.

Đúng 60 năm trước, vào lúc 2 giờ sáng 25/12/1956 khi Chê Guê vara quyết định tham gia cuộc viễn chinh của tương lai trên con tàu Granma dưới sự chỉ huy của tư lệnh cách mạng Phiđen Cátxtơrô, từ đó, trong suốt quãng đời của mình, ông đã chiến đấu không mệt mỏi cho lý tưởng cao đẹp vì sự nghiệp giải phóng con người và ông đã lẫm liệt hy sinh vì nó. Tấm gương tiết liệt đó đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Và như Phiđen đã khẳng định: “Chê đã trở thành hình mẫu không chỉ cho đất nước chúng ta mà cho bất cứ quốc gia Mỹ La tinh nào khác. Với Chê, tinh thần kiên cường cách mạng, tinh thần hy sinh cho cách mạng, tinh thần hăng hái, tinh thần làm việc quên mình của nhà cách mạng đã được nâng lên hình thái cao nhất. Chê đem đến cho tư tưởng Mác-Lênin một sự thể hiện trong sáng nhất, đầy sức sống nhất và cách mạng nhất. Trong thời đại chúng ta, Chê là trường hợp duy nhất đã nâng tinh thần quốc tế vô sản đến mức cao nhất. Và khi chúng ta nói về chủ nghĩa quốc tế vô sản, khi chúng ta tìm kiếm ví dụ về một người cách mạng có tinh thần quốc tế vô sản điển hình thì, hơn bất kỳ ví dụ nào khác đó chính là Chê.

Trong tâm trí và trong trái tim anh không hề có bóng dáng của những lá cờ, của thành kiến, của chủ nghĩa sô vanh và của sự ích kỷ. Anh sẵn sàng đổ máu vì hạnh phúc cho bất kỳ dân tộc nào, cho chính nghĩa của bất kỳ dân tộc nào mà không chút ngần ngại. Máu anh đã đổ xuống cho tất cả những người bị bóc lột, cho tất cả những người bị áp bức. Máu anh đã đổ xuống cho tất cả các dân tộc Mỹ La tinh và cho Việt Nam. Vì anh biết rằng, trong khi chiến đấu chống Đế quốc ở Bô-li-vi-a, anh đồng thời cũng giúp đỡ phong trào cách mạng Việt Nam bằng sự thể hiện cao nhất tinh thần đoàn kết… Chê là tấm gương, Chê là nguồn cảm hứng đấu tranh, nguồn cảm hứng cho sự kiên trì cách mạng, nguồn cảm hứng cho sự kiên định trước kẻ thù và nguồn cảm hứng cho tình cảm quốc tế vô sản.

Rõ ràng kẻ thù đã lầm tưởng khi cho rằng giết được Chê đồng nghĩa với thủ tiêu cách mạng. Không! Chê chỉ mất đi về mặt thể xác nhưng tinh thần của Chê, tư tưởng của Chê sống mãi. Chê là huyền thoại. Chê là sự bất tử… Đúng như lời đáp trả cuối cùng của ông trước khi ông bị sát hại, khi tên mật vụ CIA Gion-xa-let gằn giọng với ông: “Thế ông đang nghĩ về cái gì vậy?”. “Ta đang nghĩ về sự bất tử của cách mạng”, ông dõng dạc đáp. Và ngay sau đó là loạt đạn ngông cuồng nhắm vào ông rít lên…

Chê Guêvara - nguồn cổ vũ bất tận cho cuộc đấu tranh vì quyền sống và quyền tự do.

VŨ VĂN THOẠI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét