Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

CÔNG KHAI KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG CÓ GIỚI HẠN

Thời gian qua, các cơ quan truyền thông nước ngoài như BBC, RFA… tỏ ra quan tâm tới việc một số người không được tham dự một số phiên tòa do Tòa án nhân dân ở Việt Nam tiến hành, và họ coi đó là việc làm “vi hiến”. Vậy BBC, RFA... không am hiểu quy định luật pháp của mỗi quốc gia, hay cố tình tảng lờ quy định đó để lấy cớ vu cáo Nhà nước Việt Nam?


Ở nước nào cũng vậy, việc mỗi người được tham dự, hay không được tham dự một phiên tòa đều căn cứ trên cơ sở quy định của luật pháp, không phải muốn là được, cũng không thể ngăn cấm nếu phiên tòa không có tính chất đặc biệt, cần hạn chế số người tham dự. “Điều 18. Xét xử công khai” Bộ luật Tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam viết: “Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai” (Nay là “Điều 25. Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai” Bộ luật Tố tụng hình sự đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 27-11-2015, hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016). Tương tự, “Điều 15. Xét xử công khai” Bộ luật Tố tụng dân sự nước CHXHCN Việt Nam viết: “1. Việc xét xử vụ án dân sự của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. 2. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai” (Nay là “Điều 15. Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai” Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 25-11-2015, hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016). Như vậy, giống như quy định về tính công khai tại phiên tòa tổ chức ở nhiều nước khác, tiến trình xét xử ở Việt Nam cơ bản là khẳng định tính công khai, nhưng đó không phải là công khai vô giới hạn, mà phụ thuộc vào tính chất phiên tòa (như: bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự), và vai trò của chủ tọa phiên tòa - người có thẩm quyền cuối cùng cho ai được hay không được vào phòng xét xử. Điều này là cần thiết, vì các vụ án mà một bên tham gia thủ tục là người nổi tiếng, sự việc đưa ra xét xử rất khác thường như tội ác ghê tởm, thiệt hại quá lớn, tội liên quan đến an ninh quốc gia,… thì số lượng người muốn có mặt tại phòng xử rất lớn, và tòa án không thể đáp ứng yêu cầu.

Ở các quốc gia trên thế giới, nguyên tắc xét xử công khai chưa bao giờ được thực thi một cách không có giới hạn. Ở Thụy Điển: Xét xử công khai nhưng chủ tọa phiên tòa có quyền giới hạn số người tham dự trong phòng xét xử; cho phép thu âm phiên tòa xét xử công khai; cấm chụp ảnh, quay phim trong phòng xét xử chính; cho phép quay video để truyền trực tiếp vào phòng bên cạnh. Ở Tây Ban Nha: Trước khi phiên tòa bắt đầu được quay phim, chụp ảnh, trong thời gian phiên tòa diễn ra chỉ được quay phim, chụp ảnh phục vụ nội bộ; trường hợp ngoại lệ (như phiên tòa xét xử vụ đánh bom ở Madrid cho truyền bằng video). Ở Vương quốc Anh: Cấm quay phim, chụp ảnh phiên tòa, thu âm trong phiên tòa; nhưng phiên Tòa của tòa án Tối cao (Supreme Court) thì cho phép truyền thanh, truyền hình. Ở Na Uy và Thụy Sĩ: Cấm quay phim, thu âm phiên tòa hình sự, cho chuyền video trực tiếp sang phòng bên cạnh. Ở Pháp: Cấm ghi âm, quay phim, chụp ảnh trong phiên tòa, và chỉ được phép làm để sử dụng nội bộ ngành tư pháp, nghiên cứu lịch sử. Ở Bỉ: Cấm ghi âm, quay phim, chụp ảnh trong phiên tòa tuy nhiên có ngoại lệ riêng lẻ do chủ tọa quyết định. Ở Hy Lạp, tuy không cấm ghi âm, quay phim, chụp ảnh nhưng trường hợp ngoại lệ do chủ tọa quyết định. Ở Hà Lan, cho phép quay phim, chụp ảnh. Ở CHLB Đức, tính công khai của tiến trình xét xử được quy định tại Điều 169 Bộ luật về hệ thống tư pháp (GVG). Theo khoản 1 của Điều 169, thì phiên tòa xét xử, việc đọc bản án và các quyết nghị của hội đồng xét xử được tiến hành công khai, ngoài những bên tham gia với tư cách theo luật định như bị cáo, người bị hại, nhân chứng, người bảo hộ, phiên dịch,… những người khác như nhà báo, đại diện tổ chức xã hội, chính trị, thực tập sinh,… phải xin phép chủ tọa phiên tòa từ trước đó.
Thí dụ điển hình là vụ án hình sự rất lớn được tổ chức tại TP Munich (CHLB Ðức). Vụ án liên quan việc ám sát chín người nước ngoài và một nữ cảnh sát Ðức, một số bị cáo thuộc nhóm “cực hữu Quốc xã bí mật” (NSU) phải hầu tòa. Khi mở thủ tục xét xử, câu hỏi về tính công khai được bàn luận nhiều. Phần lớn nạn nhân bị giết hại và bị thương là người có quốc tịch hay nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ, do đó nhiều nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ muốn có mặt trong phòng xử, gây không ít khó khăn cho tòa án, cơ quan an ninh. Với vụ án kể trên, không những một số nhà văn viết truyện hình sự, mà cả người hiếu kỳ có thời gian rảnh rỗi cũng muốn có một chỗ ngồi trong phòng xét xử. Trong thủ tục được gọi là “thủ tục xét xử của thế kỷ”, tòa án CHLB Đức chỉ có thể bố trí chỗ ngồi cho 50 nhà báo trong và ngoài nước, trong khi đó hàng trăm nhà báo muốn có mặt, cuối cùng tòa phải tiến hành bốc thăm cho các nhóm đã được chủ tọa phiên tòa hoạch định từ trước. Ngày 2-4-2013 ông H. Schmitz (H.Sừ-mít), một luật sư nổi tiếng tham gia bào chữa trong nhiều vụ án hình sự, đã cho đăng trên tạp chí điện tử The European bài Nguyên tắc công khai và thủ tục xét xử NSU - Mày không được vào đây (DERÖFFENTLICHKEITSGRUNDSATZ UND DER NSU-PROZES Du kommst hier nicht rein). Lời dẫn của bài cho rằng, cuộc tranh cãi về bố trí chỗ ngồi cho đại diện của báo chí trong thủ tục xét xử vụ án trên vẫn tiếp diễn. Tòa án không được khuất phục trước những người phê bình, phải duy trì sự độc lập của mình. Tuy nhiên, một áp lực lớn bao trùm lên thủ tục xét xử. Nhiều người đề nghị cho thu âm thanh và hình ảnh để chuyển tới một hội trường cực lớn để hàng trăm nhà báo theo dõi trực tuyến. Nhưng, khoản 2 Điều 169 Bộ luật về hệ thống tư pháp (GVG) của CHLB Đức quy định việc thu âm thanh, quay phim, chụp ảnh phiên tòa nhằm mục đích chiếu lại công khai, hay để phát tán nội dung hoàn toàn bị nghiêm cấm. Nếu phải chấp nhận để cho tất cả mọi người vào như mong muốn thì phải xây phòng xử lớn như sân vận động, và một ngày nào đó cũng sẽ chật chội. Khi xem xét số lượng người có mặt trong phiên tòa, ông chủ tọa phiên tòa cũng phải cân nhắc yếu tố an ninh và trật tự. Nhiều người ở Đức vẫn nhớ sự việc xảy ra năm 2009 tại phòng xử phiên tòa phúc thẩm của Tòa án tiểu bang Dresden về tội xúc phạm người khác, bị cáo đã đâm chết nạn nhân ngay tại phòng xét xử, và ngày 2-7-2009 trang mạng đài truyền hình N24 đã đăng bài Chết trước tòa vì bị đâm 18 nhát (Tod im Gericht durch 18 Stiche). Một vụ lừa đảo về quyền lợi tham gia thủ tục xét xử trong vụ án liên quan NSU cũng được nhắc tới, khi bàn luận về thẩm quyền của Tòa án trong quyết định cho tham gia phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa phát hiện có một vị luật sư đại diện cho một nạn nhân bị thương nặng, tuy nhiên nạn nhân này không tồn tại!

Về tính công khai và được hay không được dự một phiên tòa, ngày 9-4-2013, tờ Frankfurt Khái quát (Frankfurt Allgemein) đăng bài Sự công khai không phải là tất cả (Öffentlichkeit ist nicht alles) trong đó cho rằng “công khai” không phải là tiêu chí duy nhất; điều quan trọng là các bị cáo phải được bảo đảm có thủ tục xét xử công minh, sự thật theo thủ tục tố tụng hình sự cần phải được khám phá ra; và liệu điều này có thể thực hiện trong một hội trường lớn trước hàng trăm, hay vài trăm người tham dự? Các nhân chứng có thể thấy bị dọa dẫm, như trong trường hợp họ bị quay phim, thậm chí ngay cả khi cho quay phim để chiếu ở một phòng liền kề, nơi chủ tọa phiên tòa trong thực tế không còn nắm quyền điều hành. Bàn về nguyên tắc công khai trong xét xử, và nghiêm cấm thu âm thanh, quay phim, chụp ảnh phiên tòa đã tồn tại từ năm 1964 đến nay có còn hợp thời ở CHLB Đức nữa không, được sự ủy quyền của Bộ Tư pháp, Ủy ban chuyên trách luật hình sự của Hiệp hội thẩm phán Đức tổ chức hội nghị từ ngày 21 đến 26-10-2013, và một bản giám định dày 198 trang đã được công bố. Theo đó, từ khi Bộ luật về hệ thống tư pháp có hiệu lực, ở CHLB Đức nguyên tắc xét xử công khai chưa bao giờ thực thi một cách không giới hạn. Bản giám định đề cập quy định tương tự ở Anh, Na Uy, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Phần Lan, Hung-ga-ri, Luých-xăm-bua, I-ta-li-a, Cộng hòa Séc… nhắc đến các vụ án lớn ở nhiều quốc gia, phiên tòa của Tòa án quốc tế, và kết luận: nguyên tắc công khai trong xét xử không phải là nguyên tắc của Hiến pháp, việc nghiêm cấm việc thu âm thanh, quay phim, chụp ảnh phiên tòa theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật về hệ thống tư pháp (GVG) đều phù hợp với quy định của Hiến pháp CHLB Đức, Công ước của châu Âu về nhân quyền. Cơ quan lập pháp không bắt buộc phải thay đổi quy định này. Và điều đó cũng có nghĩa cơ quan lập pháp không bị cản trở nếu muốn thay đổi quy định.

Xây dựng nhà nước pháp quyền và hoàn thiện bộ máy tư pháp, bảo đảm và thực thi tốt hơn nữa quyền con người đang là một mục tiêu quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam phấn đấu đạt tới nhằm duy trì an ninh, an toàn và công bằng xã hội. Trong quá trình đó, chúng ta cần học hỏi nhiều điều từ thế giới, song điều quan trọng là các thành tựu mà chúng ta đạt được từ nỗ lực của chính mình với tâm niệm coi lợi ích của nhân dân, của dân tộc là mục đích hành động. Vì thế, mọi sự xuyên tạc, vu cáo của BBC, RFA,… rốt cuộc chỉ làm lộ rõ bản chất đen tối của họ mà thôi.

NGỌC DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét