Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

TỰ HÀO SỐNG TRONG VÒNG TAY LỚN CỦA DÂN TỘC


LTS - Nhiều năm sống và làm việc trên đất Mỹ, tác giả Thu Tứ vẫn mong muốn được đặt chân đến mọi miền đất của Tổ quốc, để trực tiếp cảm nhận mọi đổi thay của đất nước, của đồng bào, và ông đã đặt chân đến nhiều nơi. Tháng 3-2016, ông tới Điện Biên Phủ, chiến trường mà trước đây ông chỉ biết qua sách báo. Ngay sau chuyến đi, ông có bài viết ghi lại những cảm xúc của mình và trân trọng gửi tới Báo Nhân Dân. Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc.
Cộng đồng các dân tộc Tây Bắc
Tôi vừa có dịp lên thăm Tây Bắc. Đi về, bỗng muốn ôn lại những sự kiện ở miền bắc nước ta suốt những năm kháng chiến dằng dặc. Nam Cao theo kháng chiến lên rừng, khi đi Trên những con đường Việt Bắc phải trầm trồ: “...Ngày xưa đi qua các con đường mạn ngược, rợn lắm… Cách mạng đã đổi hẳn bộ mặt nước mình... Người miền xuôi không còn sợ núi rừng... Vẫn đóng khung trong những biên giới cũ, lãnh thổ Việt Nam có vẻ như mở rộng. Trước mắt chúng ta cả một vùng rừng núi mênh mông không còn phải là chỗ ma thiêng nước độc”. “Ngày xưa” trong cách gọi của Nam Cao thực ra chưa xa lắm. Đó là vào khoảng đầu năm 1941, trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước lãnh đạo cách mạng. Thời kỳ đó được viết nhiều trong sách truyện đường rừng của Thế Lữ, Tchya, Lan Khai… Vẫn biên giới cũ lại có vẻ như mở rộng, ấy là bởi rừng núi bây giờ đã lô xô những nếp nhà. Tôi đi đường rừng gặp đồng bào thấy sao xiết nỗi thân tình. Cái tình thân mới mẻ này không hề xảy ra tự nhiên đâu! Đó là thành quả rực rỡ của một chủ trương đúng đắn của Hồ Chủ tịch trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Chính nhờ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, chúng ta đã thắng được mọi kẻ thù dù hung hãn đến đâu.
Trong hồi ký Từ nhân dân mà ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc đến tình hình ở Cao - Bắc - Lạng năm 1943: “Cuộc khủng bố lan rất nhanh ... Quang cảnh điêu tàn hiện ra trên khắp dọc đường ... địch bêu đầu những người cộng sản”. Trong hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đại tướng kể chuyện Tây Bắc đầu năm 1948: “Lai Châu vẫn còn là tỉnh duy nhất ta chưa lập được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám… Quân Pháp đã tạo ra cái gọi là khu tự trị Thái, bình định ráo riết, xây dựng một hệ thống đồn bốt dày đặc… Liên khu báo cáo bốn đội vũ trang xung phong tuyên truyền… đã được tổ chức xong, sẵn sàng lên đường… Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ ta lần này rất nặng. Họ sẽ phải vượt hàng trăm kilômét đường rừng toàn là vùng trắng, quân địch kiểm soát chặt chẽ. Những ngày dài gian khổ, hiểm nghèo, bệnh tật, đói rét đang chờ họ... Trong không khí xúc động đưa tiễn anh em lên đường thực hiện một nhiệm vụ rất khó khăn, tôi ứng khẩu đọc tặng anh em mấy câu thơ: Sông Đà, sông Mã uốn dòng, - Ghềnh rêu, thác bạc ghi công anh hào. - Con vàn tung cánh bay cao - Ngọn cờ chỉ hướng, ngôi sao dẫn đường”. Câu chuyện của những “anh hào”, về sau Nguyễn Tuân nhắc lại đầy cảm khái: “Đi trên con đường... qua Châu Mộc, Châu Yên, Châu Thuận, Mường La, Mường Muội, Mường Mùn, Mường Lay mà rủi quên đi cái dĩ vãng phức tạp của cuộc sống hai bên trục đường… là một thiếu sót, nó hạn giới tấm lòng cảm thông của mình với cảnh và người trước mắt… Cán bộ gây cơ sở địch hậu Tây Bắc hồi ấy chỉ đem theo trên người một cái bật lửa, một cái thuổng đào củ mài và một tấm lòng. Rạch bẹ chuối rừng ra hứng lấy từng giọt mà uống, ngắt lấy búp cỏ gianh mà nhai cho đỡ đói đỡ khát; nằm trong hang đá mà khát mà đói mà thèm muối, nhìn đá lấp lánh trong hang mà mơ đến những tảng, những hòn muối mỏ. Muối thời chiếm đóng là vàng trắng. Giặc Pháp đã đem cái vàng trắng ấy ra mà dụ dỗ bọn tham, bọn xấu. Cũng đã có những đứa ham mấy bơ muối mà cắt đầu anh cán bộ đem nộp cho Tây. Cán bộ địch hậu hồi ấy nhớ muối và thèm đi trên đường cái quan. Có đồng chí mải mê nhen lửa trong lòng nhân dân Tây Bắc để Cách mạng sớm bùng ngọn khắp nơi, mong Tây Bắc mà giải phóng rồi, thì cái nguyện vọng đầu tiên và cũng giản đơn của anh lúc ấy sẽ là được nhảy ngay xuống con đường trục mà chạy suông một đoạn giữa mặt đường thênh thang chói chang ánh sáng tự do, cười nói cử động thừa thãi với cái tư thế của một người làm chủ đất nước mình”! (Đường lên Tây Bắc - Nguyễn Tuân). Bất chấp mọi nỗ lực chia cắt, chống phá của thực dân và tay sai, nhờ công tác tuyên truyền được Đảng chỉ đạo đúng đắn, tổ chức hợp lý, nhờ tác phong gương mẫu của các cán bộ làm nhiệm vụ, vòng tay lớn vẫn cứ mỗi ngày nối chặt thêm, tạo nên một sức mạnh bất diệt. Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu say sưa: “Những đường Việt Bắc của ta - Ðêm đêm rầm rập như là đất rung - Quân đi điệp điệp trùng trùng - Ánh sao đầu súng, đạn cùng mũ nan - Dân công đỏ đuốc từng đoàn - Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay”. Trong Vui dân công, nhà thơ Nam Cao kể: “Đàn ông, con trai Cao Bằng đi bộ đội, đi công tác rất nhiều. Vì vậy trong các đoàn dân công, phụ nữ đông gấp mấy đàn ông… Luôn sáu tháng rồi, nhân dân Cao Bằng hết lớp này đến lớp kia, đi sửa đường, đắp thêm đường, tham gia các công việc vận tải, tiếp tế, cứu thương. Nhưng người dân Cao Bằng không tỏ ra mệt mỏi một chút nào. Họ đi dân công vui vẻ như đi hội… Trận mưa chưa ngớt hẳn chúng tôi đã thấy những người Nùng, Thổ, Mán, đàn bà lẫn đàn ông, áo chàm đẫm nước mưa, quần xắn đến đùi, người gánh, người khiêng, xình xịch chạy qua… Hàng trăm người khiêng gánh - nhiều như mối sau một trận mưa rào - từ trên đồi đổ xuống, tỏa ra ở trên dốc thành hai, ba dòng uốn éo. Những dòng người như chạy thi với những dòng nước cũng đang lao xuống dốc (…) Đến lưng chừng đèo, chỉ còn một lối đi, những dòng người chập lại nhau. Cả một thác người đổ xuống”. Đồng bào miền núi không những lao động chiến dịch đặc biệt hăng say, mà còn có cảm tình nồng nàn, đằm thắm đối với những người Kinh lên kháng chiến: “Các chị thấy chúng tôi ngừng lại để nhường đường… chào chúng tôi bằng một giọng dịu dàng… nghe như lời thân mến của một em gái. Chúng tôi thấy lòng ấm quá. Chưa bao giờ tôi thấy tình đồng bào, đồng chí… thấm dịu lòng như lúc ấy. Gia đình thật!”. Tình cảm ấy đã được đón nhận và đền đáp lại: “Đơn vị chúng tôi cũng có nửa tiểu đội dân công toàn phụ nữ đi theo. Một buổi chiều, gạo chưa đem tới kịp, chúng tôi bàn nhau: tất cả anh em đều nhịn, ai còn sót được chút gạo nào, dồn cả lại, nhường cho các chị dân công. Các chị lẳng lặng lĩnh gạo đi ra suối, chẳng nói gì. Nhưng hơn một giờ sau, một chị về gọi chúng tôi: “Các anh đi ăn cháo”. “Mời các chị. Gạo về, chúng tôi sẽ ăn sau. Sao các chị không thổi cơm ăn?”. “Nấu cháo thôi, nhiều lắm, các anh đến cùng ăn”. “Chúng tôi chẳng ăn đâu”. “Ăn chứ! Có cơm cùng ăn cơm, có cháo cùng ăn cháo, các anh nhịn, chúng tôi không ăn vớ!”. “Gia đình thật” còn có tình mẹ con: “Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc - Năm con đau, mế thức một mùa dài - Con với mế không phải hòn máu cắt - Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi” (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên). Tình nghĩa sâu đậm ấy, biết trả sao đây cho vừa?
Sau ngày súng ngừng nổ ở Điện Biên Phủ, Nhà nước ta đã vừa giữ nhiều đơn vị quân đội ở lại vùng rừng núi phía bắc, vừa tổ chức đưa người một số tỉnh châu thổ lên các khu kinh tế mới. Quân và dân cũ, dân mới cùng trồng lúa làm đường, làm cầu… Giặc hoàn toàn vắng bóng, nhưng trên vùng cao lại rền vang tiếng mìn và lô nhô “những cột khói mìn”. Mìn phá đá mở đường. Quang cảnh “chiến trường thời bình” gợi nơi Nguyễn Tuân nhiều cảm giác cảm xúc độc đáo đến nỗi đã ra đời tác phẩm “Một bài thơ đường” nhưng lại là văn xuôi. Nhà thơ Quang Dũng cũng không quên ghi lại cảnh tượng này trong bài Pha Đin. Trong chiến tranh chống ngoại xâm, trong mở mang đất nước, anh em xuôi ngược luôn sát cánh, đắng chia ngọt sẻ. Còn gì vui hơn!
Tây Bắc nay đã thay da đổi thịt. Những khu đô thị khang trang mới mọc lên. Thành phố Điện Biên Phủ chiếm một phần cánh đồng Mường Thanh mênh mông, với những di tích lịch sử thu hút du khách tới tham quan, với những con đường trắng xóa hoa ban suốt từ giữa tháng ba cho đến hết tháng năm dương lịch. Thị xã Mường Lay, phố núi thơ mộng của Nguyễn Tuân năm xưa, nằm bên bờ con sông Đà mà vào mùa xuân này chúng tôi đi qua đã sững sờ trước mầu nước xanh đẹp như không có thật. Mường Lay với kiến trúc hiện đại khiêm tốn thu mình bên sơn thủy hữu tình làm chân du khách bỗng thấy mỏi! Thành phố Lai Châu, không biết đây trước là vùng rừng núi ra sao, mà nay nơi trung tâm đường sá rộng đến ngơ ngác, nhà đồ sộ tòa ngang dãy dọc,…
Trong thời gian ngắn ngủi ở Sa Pa, giữa những lúc bận rộn chọn mua túi thổ cẩm, mứt đào, mứt mận, hạt dẻ, mật ong rừng, nấm rừng,… mà anh chị em người Mông, người Dao bày bán la liệt quanh khu trung tâm thị trấn thấy cuộc sống thật thanh bình... Từ cũng khá lâu rồi, Nhà nước ta phải lo đối phó với các thế lực thù địch âm mưu gieo mầm nhằm mục đích chia rẽ một số anh em vùng cao khỏi vòng tay lớn của dân tộc Việt Nam. Phương tiện địch sử dụng cũ thôi, nhưng vẫn lợi hại. Ta nên giải quyết thế nào đây? Hẳn trước tiên phải làm sao cho đồng bào thấy rõ rằng đoàn kết sẽ được ấm no, sau đó, bằng giáo dục lịch sử, giáo dục công dân, chúng ta cố nâng cao trong tim óc anh em cái tâm thức Trăm Con, ý thức phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam. Một buổi sáng đứng trên đỉnh Phan Xi Păng mây trắng có lúc trôi nhanh đến bàng hoàng trông xuống mái chùa đang xây trên sườn núi thấp hơn một chút, tôi sực nhớ chùa Linh Sơn mới khánh thành ở thành phố Điện Biên Phủ và bao nhiêu chùa mới khác mọc lên ở khắp nơi trên đất nước. Bỗng nhớ tới câu nói “Phật giáo đã đi cùng dân tộc” của nhà nghiên cứu phê bình Mai Quốc Liên!
(*) Đầu đề là của Báo Nhân Dân.
THU TỨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét