Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

TẤT CẢ ĐỀU TUYÊN BỐ SAI SỰ THẬT (*)

Năm 2010, nhân việc ông H. Kissinger (H.Kít-sinh-gơ) được mời dự hội nghị sử học về chiến tranh Đông Dương tổ chức tại Hoa Kỳ, tờ Tin tức Hơ-phin-tơn (Huffington Post) đăng bài của tác giả F.Branfman (1942 - 2014, F.Ban-mừn) cho rằng sự có mặt của H. Kissinger tại hội nghị là “xúc phạm lịch sử”. Bài viết chỉ rõ liên quan của H. Kissinger với tội ác của Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam, đồng thời đưa ra số liệu cụ thể bác bỏ luận điệu cho rằng: “Quốc hội Hoa Kỳ cắt viện trợ nên Việt Nam cộng hòa sụp đổ”. Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, chúng tôi lược dịch và giới thiệu một phần từ bài viết này.
“Mời Kissinger đưa ra phát ngôn chủ đạo trong một hội nghị lịch sử về chiến tranh Đông Dương chẳng khác nào xúc phạm vào lịch sử, vào những buổi lễ tưởng niệm hàng chục ngàn người Mỹ, vô số thường dân Đông Dương, những người chết oan vì chính sách của ông ta. Đó cũng là sự xúc phạm đối với thế hệ trẻ của nước Mỹ, những người rất cần tìm hiểu sự thật về Đông Dương để không tái diễn tội ác đó, đối với những người phản đối các cuộc thảm sát thường dân… Cho đến nay, quan điểm cho rằng sở dĩ Mỹ thất bại tại Đông Dương vì Quốc hội Mỹ đã cắt viện trợ cho chính quyền của Thiệu là kế thừa từ Kissinger và một số quan chức chính quyền R.Nixon (R.Nich-sơn), bộc lộ trong cả sĩ quan trẻ như trong cuốn Một cuộc chiến tiến bộ đang được thực thi (A Better War - which has been) của trung tá L.Sorley (L. So-ly) đã được dẫn lại trên tạp chí Phố Wall: “Cuốn sách của L. Sorley chỉ ra rằng quân đội Mỹ đã có thể chiến thắng tại Việt Nam nếu không bị Quốc hội đâm sau lưng khi cắt viện trợ cho miền Nam Việt Nam”. Lập luận của L. Sorley thật ngớ ngẩn. Minh chứng rõ nhất là chế độ của Thiệu đã thua vì đó là một nhà nước cảnh sát, tham nhũng, không được lòng dân với một cuộc chiến tranh phi nghĩa, với đội quân thiếu nhuệ khí chiến đấu so với bên kia. Viện trợ của Hoa Kỳ cho Sài Gòn trong giai đoạn 1974 - 1975 nhiều gấp 2 - 4 lần so với viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc cho Bắc Việt. Quân đội của Thiệu được trang bị vũ khí đến tận răng, nhiên liệu đầy đủ… Chính Kissinger và Nixon là những người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của Sài Gòn chứ không phải Quốc hội.
Từ ngày 20-1-1969 đến khi Sài Gòn sụp đổ ngày 30-4-1975, với cương vị là Cố vấn an ninh Quốc gia thời R. Nixon và Ngoại trưởng thời G. Ford (G. Pho) H. Kissinger là người trực tiếp điều hành chính sách của Mỹ tại Đông Dương. Trong thời gian này, Kissinger đã kéo dài cuộc chiến tranh tại Việt Nam một cách vô ích khiến 20.853 người Mỹ thiệt mạng, và theo một thống kê chính thức thì có đến 7.860.013 dân thường Đông Dương bị sát hại, bị thương, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Thật vậy, chính sách từ Kissinger đã gây hậu quả cho gần 8 triệu nạn nhân trong 8.745.207 người kể từ khi L. Johnson (L. Giôn-sơn) bắt đầu khơi mào cuộc chiến và đưa 550.000 quân Mỹ tới miền nam Việt Nam.
Hầu hết nạn nhân Hoa Kỳ và Việt Nam đã có thể được cứu giúp nếu năm 1969 Kissinger đạt được thỏa thuận với Bắc Việt. Một thỏa thuận như vậy sẽ giúp Mỹ rời Việt Nam với tư thế “ngẩng cao đầu” hơn là chịu thất bại hoàn toàn. Kissinger đã chỉ đạo chiến dịch ném bom lớn nhất trong lịch sử thế giới khi thả tới 3.984.563 tấn bom lên khu vực sinh sống của 50 triệu người, gấp đôi so với 2.000.000 tấn bom thả trên khu vực rộng lớn từ châu Âu đến Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ông ta đã chỉ đạo thả 1,6 triệu tấn bom lên miền Nam Việt Nam, và ngang với thành tích của L.Johnson trong thời kỳ leo thang quân sự của Hoa Kỳ, và gấp bốn lần số phi vụ thả bom ở Lào, từ 452.000 tấn đến 1.628.900 tấn; bắt đầu chiến dịch thả bom rải thảm trước khi Campuchia (Cam-pu-chia) hòa bình, với số lượng bom được thả lên các làng mạc từ 600.000 đến 1 triệu tấn và mở rộng ném bom vào các mục tiêu dân sự tại Bắc Việt. Phần lớn các vụ đánh bom tại Đông Dương đều nhằm vào mục tiêu dân sự (Lưu ý: các số liệu thống kê chính thức được khai thác từ cuốn sách Thống kê chiến tranh Đông Dương - Tiền bạc và nhân mạng, 14-5-1975). Tại Lào, nơi tôi đã có dịp phỏng vấn hơn 1.000 người tị nạn đến từ cánh đồng Chum, hầu hết mọi người đều có chung câu trả lời rằng làng mạc của họ bị phá hủy bởi bom đạn Mỹ, đặc biệt là trong năm 1969. Nạn nhân chủ yếu là dân thường, vì người già, phụ nữ, trẻ em sống trong các ngôi làng, còn phần lớn các đơn vị bộ đội rút lui trong những khu rừng rậm lại không bị phát hiện. Tại Campuchia, Kissinger ra lệnh cho A. Haig (A. Hai-gơ) thực hiện “chiến dịch ném bom lớn lên tất cả những mục tiêu di động”. Đó rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế về bảo vệ thường dân. Hai triệu thường dân (theo ước tính của Đại sứ quán Hoa Kỳ) sống trong vùng kiểm soát của Khmer Đỏ, tại các ngôi làng không được bảo vệ đã chịu các đợt ném bom trải thảm của B.52. Tại Bắc Việt, Kissinger ra lệnh ném bom một cách tàn ác lên các mục tiêu đô thị như tờ New York Times (Thời báo Niu-Óoc) đưa tin năm 1972: “Các nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ được phép tiến hành không kích theo ý muốn tại Đông Dương. Chỉ huy các chiến dịch không kích chỉ quan tâm đến việc cắt đứt đường cung cấp thực phẩm, y tế, trang thiết bị của đối phương hơn là tính mạng thường dân”. Kissinger khoe với Nixon: “Những đợt không kích nối tiếp nhau như sóng biển. Kẻ địch đã không thể quan sát được khi B.52 thả xuống đến một triệu pao bom (1 pound khoảng 0,453 kg). Tôi bảo đảm với ông, chúng ta sẽ huy động được số máy bay tham gia không kích trong một ngày ngang con số Johnson yêu cầu trong một tháng. Mỗi chiếc B.52 có thể tải trọng gấp 10 lần so với các máy bay ném bom chiến lược trong thế chiến thứ hai”. Một sai lầm nghiêm trọng khác là Kissinger mở rộng cuộc chiến của Hoa Kỳ tới Campuchia, hậu quả là 5 năm sau Khmer Đỏ đã tiếp quản quốc gia này… Trong bộ phim Kissinger, Nixon và cuộc lật đổ Sihanouk, W.Shawcross (W.Sao-cờ-rốt) từng tố cáo Kissinger lật đổ N.Sihanouk (N.Si-ha-núc) để bảo trợ cho chế độ thối nát Lon Nol, đánh bom thảm sát và tạo cơ hội cho Khmer Đỏ giành được chính quyền… Nếu Kissinger và Nixon không tổ chức xâm lược Campuchia thì thật không thể tin được Khmer Đỏ đủ sức lên cầm quyền. Kissinger đã dành những khoản tiền hàng tỷ USD của chương trình Thực phẩm cho hòa bình vốn nhằm viện trợ thường dân để cung cấp cho quân đội của Thiệu và Lon Nol. Ông ta đã vi phạm hiến pháp Mỹ, khi bí mật ra lệnh đánh bom Lào, Campuchia mà không cần Quốc hội thông qua. Các trợ lý của ông ta cũng là những người dối trá, như ngày 22-4-1971, cựu Đại sứ Hoa Kỳ W.Sullivan (W.Sau-li-vừn) chỉ thừa nhận trước Tiểu ban Kennedy về vấn đề người tị nạn rằng Mỹ chỉ ném bom vào các mục tiêu quân sự của Lào.
Trong cuốn Kết cục của chiến tranh Việt Nam (Ending the Vietnam War, 2003), H. Kissinger tuyên bố: “Nếu tôi tiên liệu được Quốc hội có thể cắt đứt viện trợ cho đồng minh đang bị vây khốn, tôi đã không nỗ lực tham gia các cuộc đàm phán cuối cùng vào năm 1972”. Điều này là trái ngược hẳn với bài Hoa Kỳ tuyên bố tình hình quân sự tại Việt Nam không nghiêm trọng đăng trên New York Times ngày 27-3-1975 với nội dung: “Hôm nay, Bộ Quốc phòng cho biết mặc dù Quốc hội đã cắt giảm viện trợ quân sự thì quân lực Nam Việt Nam cũng không bị thiếu hụt nghiêm trọng về đạn dược và nhiên liệu”. Kissinger đã cố gắng đổ tội cho Quốc hội về sự sụp đổ của Sài Gòn. Cuốn sách của Sorley cho rằng thất bại trong chiến dịch xuân - hè năm 1972 của quân đội Bắc Việt cho thấy lực lượng của Thiệu có thể lật ngược thế cờ trong tháng 4-1975. Sorley đã trả lời phỏng vấn trên tờ Newsweek: “Năm 1974, Quốc hội Mỹ đã bội ước lời cam kết hỗ trợ chính quyền Sài Gòn của Nixon để cắt đứt mọi viện trợ cho Nam Việt Nam. Vì không có viện trợ về hậu cần và không quân, quân đội Nam Việt Nam đã thất bại vào năm 1975 khi những người cộng sản tràn vào”. Cùng với Kissinger, cựu thư ký Bộ Quốc phòng M.Laird (M. Le-đờ) và J. Schlesinger (J.Sờ-lét-sinh-gơ) luôn khẳng định: Viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc cho Bắc Việt nhiều hơn của Mỹ cho Nam Việt. Tất cả đều tuyên bố sai sự thật. Quốc hội đã không cắt đứt mọi viện trợ cho Nam Việt Nam như lời nói dối của Kissinger. Ngược lại vào tháng 8-1974, Quốc hội chỉ giảm viện trợ quân sự cho ông Thiệu từ 1,2 tỷ USD xuống 700 triệu USD. Dẫu vậy, khoản tiền viện trợ quân sự 700 triệu USD của Quốc hội Mỹ “vẫn gấp đôi so với viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc cho Bắc Việt” (Theo New York Times, 27-3-1975). CIA đã ước tính khoản tiền Mỹ viện trợ cho Nam Việt năm 1974 là 1,7 tỷ USD gấp 4 lần số 400 triệu USD mà Bắc Việt nhận được từ Liên Xô và Trung Quốc. Tổng cộng số tiền Mỹ viện trợ Nam Việt Nam từ 1961 đến 1975 lên tới 141 tỷ USD so với con số từ 7,5 đến 8 tỷ USD viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc cho Bắc Việt (Báo cáo của Quốc hội Mỹ, 14-5-1975). Luận điểm của Sorley về việc thất bại của Bắc Việt năm 1972 chứng minh quân đội của Thiệu có thể độc lập tác chiến là rất vô lý. Tướng C. Abrams (C.Ây-bờ-ram), người đứng đầu quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam cho biết: Thiệu đã nói rằng các cuộc ném bom chiến thuật bằng B.52 là vô cùng cần thiết với ông ta, và chính quyền của Thiệu sụp đổ vì thiếu những đợt không kích ấy… Ngày 19-5-1972, Times (Thời đại) đưa tin “mặc dù chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh đã thực hiện được 4 năm, các chỉ huy quân sự của Mỹ và Nam Việt Nam vẫn phải dựa vào các phi vụ ném bom bằng B.52 trong khi bộ binh tỏ ra kém hiệu quả trong việc ngăn chặn Bắc Việt”. Ngày 24.6.1972, báo cáo từ An Lộc ghi nhận: “Cố vấn Mỹ ở đây kể lại rằng các máy bay trực thăng của không lực Nam Việt Nam không dám cất cánh vì sợ hỏa lực địch. Tinh thần của họ đang xuống rất thấp”. Ngày 7-10-1972, báo cáo ghi nhận tiếp: “Cả hai lực lượng của Mỹ và Nam Việt Nam đều cho rằng B.52 đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công diễn ra vào mùa xuân vừa qua của Bắc Việt nhất là khi các đơn vị (của VNCH) đã tan rã”. N.Sheehan (N.Si-han) ghi trong cuốn tiểu sử ông viết về Cố vấn Hoa Kỳ J.P.Vann (J.P.Ven) - người trực tiếp chỉ đạo các lực lượng quân sự của Mỹ và Nam Việt Nam ở Vùng 3 chiến thuật, rồi cố vấn cao cấp Quân đoàn 2 - Vùng 2 chiến thuật năm 1972, như sau: “Vann không nhìn ra sai lầm trong chiến thắng của ông ấy. Ông không nhận ra việc mình phải gánh vác toàn bộ trọng trách chỉ huy trong tình thế khủng hoảng như vậy đã chứng tỏ rằng chế độ Sài Gòn không thể tồn tại độc lập!".
-----
(*) Đầu đề là của Tòa soạn (Nguồn: http://www.huffingtonpost.com/fred-branfman/hillary-clintons-promotin_b_742287.html).
VIỆT QUANG (lược dịch)
Theo ND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét