Nói như vậy không có nghĩa những chuẩn mực về dân chủ, nhân quyền không tồn tại, trái lại những giá trị đó ngày càng được khẳng định trong cuộc sống của các dân tộc. Nhưng con đường của sự phát triển đó không thể là sự áp đặt một mô hình dân chủ, nhân quyền nào đó cho một quốc gia khác. Lấy mô hình dân chủ, nhân quyền của mình để đánh giá, lên án, thậm chí can thiệp vào công việc của mỗi quốc gia là điều đã trở nên lỗi thời. Đây có thể nói là một dạng độc tài về tư tưởng, chính trị quốc tế.
Trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã trải qua 3 lần thay đổi mô hình thể chế quốc gia gắn liền với dân chủ và nhân quyền: Lần thứ nhất, đó là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thuộc địa-phong kiến, thiết lập chế độ dân chủ, cộng hòa, lần đầu tiên người Việt Nam có quyền công dân và quyền con người. Lần thứ hai (từ năm 1975 đến 1986), đó là xây dựng chế độ XHCN theo mô hình xây dựng CNXH kiểu cũ. Về chính trị, đó là chế độ “làm chủ tập thể” thiết lập “quyền lực của nhân dân lao động”. Cơ sở lý luận của chế độ đó là: “Chuyên chính vô sản…”, nhằm “xóa bỏ chế độ người bóc lột người”. Về kinh tế, đó là: “Xác lập chế độ sở hữu XHCN dưới hai hình thức-sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể”. Trong mô hình này nhiều quyền con người, nhất là quyền về kinh tế bị hạn chế. Lần thứ ba (từ năm 1986 đến nay), đó là xây dựng xã hội XHCN theo mô hình mới của CNXH: Về chính trị, đó là chế độ do “nhân dân làm chủ” với “nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”; Về kinh tế, đó là “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; Về văn hóa xã hội và con người, đó là “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc... Về quan hệ quốc tế, đó là: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, cho đến nay Nhà nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đầy đủ 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trên lĩnh vực quyền con người, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong dịp Nhà nước ta thực hiện Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), năm 2014. Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016).
Những nguyên tắc của Đảng và Nhà nước ta trong việc xác lập quan hệ ngoại giao, trong đó bao hàm cả lĩnh vực dân chủ và nhân quyền:
Trước hết, đó là đặt lợi ích của Quốc gia, dân tộc lên trên hết. Nguyên tắc này bao hàm quan điểm về đối tác và đối tượng của cách mạng Việt Nam, trong bối cảnh mới: “Những ai tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”.
Thứ hai, đó là các bên tôn trọng chế độ chính trị, thể chế quốc gia của nhau. Nguyên tắc này là nhất quán đối với tất cả các đối tác của Việt Nam, không phân biệt chế độ xã hội, ý thức hệ. Nguyên tắc này bao hàm việc tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của các quốc gia.
Thứ ba, đó là giải quyết các bất đồng giữa các bên bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế (chẳng hạn như Luật Biển).
Con đường rút ngắn sự khác biệt về tư tưởng, chính trị và pháp lý giữa các quốc gia giữa các bên chỉ có thể là “đối thoại” cởi mở, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, ngoài ra không có con đường nào khác. Tư duy áp đặt, lấy dân chủ và nhân quyền làm điều kiện cho quan hệ hai bên, hoặc thể hiện sự kỳ thị, đối lập giữa các chế độ chính trị, thể chế quốc gia là tàn dư của thời kỳ chiến tranh lạnh không thể chấp nhận được.
Trong mô hình xây dựng xã hội XHCN kiểu mới, dân chủ và nhân quyền được xem là bản chất của xã hội ta. Hiến pháp 2013 đã dành một chương quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân” (Chương II). Điều 14, quy định:  “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Quốc hội khóa XIII và khóa XIV sắp tới đã và sẽ thể chế hóa Hiến pháp 2013 bằng các đạo luật nhằm bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Chẳng hạn như quyền tiếp cận thông tin, quyền về hội, quyền biểu tình… vấn đề chỉ còn là thời gian. Nhiều luật đã được sửa đổi theo tinh thần bảo đảm đầy đủ nhất có thể được các quyền công dân và quyền con người.
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua đã một lần nữa khẳng định các giá trị của nền dân chủ XHCN do Đảng ta xây dựng và lãnh đạo. Chẳng hạn các Dự thảo văn kiện của Đảng đã được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng để lấy ý kiến nhân dân; nhân sự của Đại hội được lựa chọn theo nguyên tắc tập trung dân chủ và bỏ phiếu kín, bình đẳng đối với tất cả cán bộ và đảng viên. Điều này không chỉ được báo chí trong nước tường thuật đầy đủ mà báo chí nước ngoài cũng đánh giá tích cực.
Chẳng hạn hãng BBC đã đăng tải cuộc phỏng vấn của hãng này với ngài Đại sứ Hoa Kỳ Tét O-xi-ớt (vào đầu tháng 2-2016). Trả lời câu hỏi: Ông có “bất ngờ”, có “ngạc nhiên” trước “kết quả bầu chọn lãnh đạo cấp cao trong kỳ Đại hội Đảng” lần này và về “dàn lãnh đạo mới của Việt Nam không?”. Ngài Đại sứ cho rằng: Ông đã “theo dõi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua rất cẩn trọng với sự quan tâm rất lớn” và thẳng thắn trả lời:
“Xét về mặt nhân sự, tôi nghĩ rằng mối quan hệ song phương thì lớn hơn bất kỳ các (quan hệ) cá nhân nào”; “Thực tế là đã có những thay đổi về thế hệ mới vừa khởi sắc… Và Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan điểm “rất rõ ràng khi ủng hộ TPP và tiếp tục hội nhập quốc tế” và đây “chỉ có thể là điều tích cực cho mối quan hệ với Hoa Kỳ”.
Báo Nga thì đăng tải ý kiến của chuyên gia phân tích chính trị quốc tế-giáo sư Đmi-tơ-ri Mô-xi-a cốp (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) rằng: Đại hội XII là “Chiến thắng của các lực lượng lành mạnh”. Ông còn nhấn mạnh: “Đại hội này đã thể hiện thái độ rõ ràng-không đồng tình với quan điểm “khơi lên chiến dịch bài Trung, thân Mỹ”(1).
Quy luật của thời đại ngày nay là các quốc gia dân tộc chỉ có thể phát triển trong các quan hệ tùy thuộc lẫn nhau. Những ai nghĩ rằng họ có thể áp đặt thể chế của họ lên các quốc gia khác hoặc dùng quan điểm chính trị, mô hình xã hội, pháp luật của mình làm tiêu chí trong quan hệ quốc tế chỉ có thể là làm tổn thương đến uy tín chính trị và lợi ích kinh tế của đất nước mình mà thôi.
BẮC HÀ - Báo QĐND.
-----------
(1) Xem “Dư luận Nga đánh giá cao Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (TTXVN/VIETNAM+) ngày 29-1-2016.