Molniya thích hợp với nhiệm vụ là lực lượng răn đe khiến đối phương không dám leo thang tranh chấp hơn là nhiệm vụ hoạt động dài ngày và có mặt thường xuyên trên biển như TT-400TP.
Hiện nay, ngành đóng tàu Việt Nam nói chung và đóng tàu quân sự nói riêng đã có những thành tựu không nhỏ. Một trong số đó là tiếp nhận công nghệ và đóng thành công loạt tàu chiến Molniya 1241.8.
Đây là loại tàu tên lửa hiện đại có tốc độ nhanh, trang bị mạnh và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Có một câu hỏi được đặt ra là đã có Molniya 1241.8 vậy thì vì sao chúng ta còn đầu tư mua thiết kế sơ bộ và bỏ công sức, tiền bạc để đóng mới lớp tàu TT-400TP?
Bởi trong thực tế, Molniya được trang bị mạnh hơn hẳn TT-400TP.
Hãy thử so sánh hai loại tàu này!
Các tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 có chiều dài 56,9m, rộng 10,5m, mớn nước 2,5m, lượng giãn nước đầy tải 550 tấn.
Vũ khí trên tàu rất mạnh gồm: 1 pháo hạm AK-176M 76,2mm, 16 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E tầm bắn 130km được bố trí thành 4 cụm phóng 2 bên mạn với 4 tên lửa mỗi cụm phóng, 2 pháo bắn nhanh AK-630M 30mm, 4 tên lửa phòng không tầm thấp vác vai Igla-M.
Ưu điểm của Molniya là tính cơ động cao, có thể đạt tốc độ tối đa 42 hải lý/giờ. Tàu có khả năng hoạt động liên tục 10 ngày với phạm vi 3.100 km.
Molniya còn có biệt danh "Tia chớp", được thiết kế để tiêu diệt nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các phương tiện mặt nước khác một cách độc lập hoặc theo biên đội.
Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya do Việt Nam tự đóng dựa trên chuyển giao công nghệ của Nga.
Tàu TT-400TP có chiều dài 54,16m, rộng 9,16m, lượng giãn nước đầy tải 480 tấn, tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ, tầm hoạt động tối đa 4.500km.
Trang bị vũ khí trên tàu TT-400TP có 1 pháo hạm AK-176M cỡ nòng 76,2mm, 1 pháo bắn nhanh AK-630M 30mm. Ngoài 2 loại pháo trên, tàu TT-400TP còn được trang bị 2 bệ gá tên lửa phòng không vác vai Strela hoặc Igla.
Tàu có thể hoạt động liên tục trên biển trong vòng 30 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện sóng cấp 5.
Tàu TT-400TP được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ các đội tàu đổ bộ và tàu hộ tống, thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên biển, tiêu diệt các mục tiêu là tàu đổ bộ và tàu hộ tống của đối phương...
Pháo hạm AK-176M cỡ nòng 76,2mm có tốc độ bắn tối đa 120 phát/phút, sơ tốc đầu nòng 980m/giây, tầm bắn hiệu quả 10km, tầm bắn tối đa 15,5km, dự trữ đạn 152 viên.
Nhờ được điều khiển bằng radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02 kết hợp với thiết bị ngắm quang tuyến lắp kèm giúp pháo hạm AK-176M bắn chính xác vào mục tiêu trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau.
Ngoài tiêu diệt các mục tiêu trên mặt biển, AK-176M còn có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay kể cả tên lửa hành trình chống hạm.
Trong một thử nghiệm trước đây pháo hạm AK-176M đã tiêu diệt thành công tên lửa AT-2 Swatter (mô phỏng tên lửa hành trình chống hạm Harpoon) với trung bình cứ 25 viên đạn thì bắn hạ thành công (trong khi tốc độ bắn tối đa lên đến 120 phát/phút).
Ngoài pháo hạm AK-176M, trên tàu TT-400TP còn được trang bị 1 pháo bắn nhanh AK-630M. Tương tự như pháo hạm AK-176M, pháo AK-630M được điều khiển bởi radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02.
Pháo AK-630M cỡ nòng 30mm có tốc độ bắn tối đa 5.000 phát/phút, sơ tốc đầu nòng 900m/giây, tầm bắn hiệu quả 5km.
Pháo AK-630M có khả năng tiêu diệt các mục tiêu cả trên biển và trên không, kể cả tên lửa hành trình với độ chính xác rất cao.
Tàu pháo TT-400TP do Việt Nam phát triển trên thiết kế sơ bộ của nước ngoài.
Nhờ tốc độ bắn cao và điều khiển bằng radar kết hợp hệ thống quang tuyến, AK-630M có thể tạo ra một lưới lửa phòng không bảo vệ tàu trước cuộc tấn công của tên lửa chống hạm.
Về tổng thể, ta có thể thấy hai loại tàu có lượng giãn nước không chênh lệch nhau là mấy nhưng Molniya mạnh hơn TT-400TP rất nhiều về hỏa lực, tuy nhiên lại kém hơn khá nhiều về thời gian hoạt động trên biển và dự trữ hành trình.
Đây chính là ba trong những tiêu chí cơ bản để phân biệt hai loại tàu này. Trong khi TT-400TP là tàu pháo với vũ khí chính là pháo hạm thì Molniya là tàu tên lửa với vũ khí chính là tên lửa hạm đối hạm.
TT-400TP được thiết kế để tuần tra dài ngày trên biển thì Molniya được thiết kế để tiến công nhanh, rút nhanh.
Hai nhiệm vụ riêng
Hai nhiệm vụ này khó có thể hoán đổi cho nhau và Molniya khó có thể đảm nhiệm nhiệm vụ tuần tra dài ngày trên biển như TT-400TP.
Để tuần tra bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền chủ quyền biển đảo, hỗ trợ các hoạt động của lực lượng chấp pháp trên vùng biển xa bờ, bảo vệ ngư dân trước các nguy cơ như cướp biển, tranh chấp thì tàu pháo là lựa chọn hợp lý.
Bởi nó vừa có tính răn đe nhưng cũng không đẩy răn đe lên thành uy hiếp, nhất là trong những vùng biển còn tồn tại những bất đồng giữa các nước trong khu vực.
Ở khía cạnh này thì Molniya lại là quá mạnh, kể cả khi nó khắc phục được nhược điểm là thời gian và phạm vi hoạt động ngắn thì nó cũng không phải là lựa chọn để thay thế TT-400TP.
Molniya thích hợp với nhiệm vụ là lực lượng răn đe khiến đối phương không dám “leo thang” tranh chấp hơn là nhiệm vụ hoạt động dài ngày và có mặt thường xuyên trên biển như TT-400TP.
Cặp tàu M thứ 2 (chiếc số 3 và số 4) mới đưa vào biên chế chính thức của HQND Việt Nam.
Đây chính là lý do để mà mặc dù đã đóng được những Tia chớp trên biển – Molniya, chúng ta vẫn mua thiết kế và đóng những tàu pháo tuần tra như TT-400TP.
Trong tương lai, để đẩy mạnh và vươn xa thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển có thể chúng ta sẽ thiết kế, đóng mới những con tàu lớn hơn, có dự trữ hành trình và thời gian thực hiện nhiệm vụ dài hơn.
Tuy nhiên, về thực chất cũng sẽ không khác gì TT-400TP, cũng chỉ là những tàu pháo với vũ khí chính là pháo hạm.
Cũng tương tự như vậy, có thể chúng ta sẽ có những lớp tàu tên lửa lớn, hiện đại hơn, nhanh hơn, trang bị tên lửa đối hạm có tầm bắn xa hơn, nhưng chúng sẽ vẫn chỉ đóng vai trò là “nắm đấm thép” mà không thể thay thế cho tàu pháo làm nhiệm vụ tuần tra trên biển.
Mỗi loại tàu có một thế mạnh riêng và những nhiệm vụ riêng nhưng chúng cùng hướng ra khơi xa, cùng làm một nhiệm vụ lớn là giữ gìn vẹn toàn chủ quyền biển đảo của chúng ta.
Thế mạnh của mỗi loại tàu sẽ hỗ trợ cho nhau để cùng tạo thành thế mạnh chung của cách đánh Việt Nam, sức mạnh Việt Nam trên vùng biển quê hương.
theo Thế giới trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét