Sử dụng mạng xã hội để mở rộng và kết nối thông tin giữa các cơ quan chính quyền với người dân đang là xu hướng được nhiều quốc gia áp dụng. Thời gian gần đây tại Việt Nam, sự xuất hiện của những đường dây nóng về y tế, giáo dục, giao thông, cải cách hành chính,... hay trang mạng xã hội của một số cơ quan, tổ chức nhà nước nhằm tiếp nhận phản hồi, góp ý của người dân đã được dư luận đánh giá cao. Chính từ kênh kết nối này, nhiều sự việc được chính quyền biết đến và giải quyết kịp thời, hợp lòng dân.
|
Một chính quyền gần dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân không chỉ là mong muốn của toàn xã hội mà còn là mục tiêu của các cấp chính quyền tại nhiều quốc gia. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, các giao thức kết nối cũng liên tục phát triển, không chỉ tạo điều kiện để mỗi cá nhân giao tiếp hiệu quả hơn, mà còn là cơ hội để chính quyền có thêm kênh tiếp xúc với người dân. Vai trò của mạng xã hội đã và đang được các cơ quan, tổ chức nhà nước tại nhiều quốc gia sử dụng một cách có hiệu quả, giúp thu hẹp khoảng cách với người dân. Ở nước ta, một số cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, cũng đang nỗ lực kết nối với người dân thông qua mạng xã hội. Từ tháng 10-2015, Chính phủ đã lập hai tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” với kỳ vọng giúp người dân tiếp cận kịp thời các văn bản, quy phạm pháp luật mới ban hành; thông tin thời sự chính trị, kinh tế - xã hội,...; hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Việc làm này không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, mà còn khuyến khích người dân đồng hành cùng Chính phủ, góp phần thiết thực định hướng dư luận trên mạng xã hội. Đây cũng được coi là kênh giám sát dư luận xã hội hiệu quả, từ đó các cơ quan ban hành chính sách lắng nghe và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế đời sống, nguyện vọng của nhân dân.
Không chỉ Chính phủ nỗ lực mở rộng các kênh giao tiếp, đưa thông tin đến người dân, mà hiện nay nhiều cấp, ngành ở địa phương cũng tận dụng những ưu thế của mạng xã hội để giải quyết công việc và kết nối thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân. Đầu tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã hợp tác với Zalo (mạng xã hội ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí hoạt động trên nền tảng di động) trên cơ sở khai thác những tiện ích của mạng này để triển khai thêm kênh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân như: tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ, gửi tin nhắn thông báo tiến độ giải quyết hồ sơ, biên nhận điện tử ZMS, thu thập ý kiến phản hồi của công dân… Trước đó, từ năm 2015, ngành y tế đã sử dụng mạng xã hội nhằm hỗ trợ thông tin cho người dân về vắc-xin. Cũng trong năm 2015, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định về việc cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành của cơ quan này đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên trang mạng xã hội Facebook có tên “Thủ đô Hà Nội - Việt Nam”. Tại TP Hồ Chí Minh, từ tháng 6-2016, Công ty Điện lực thành phố đã triển khai một số dịch vụ khách hàng qua tiện ích Zalo, được khách hàng đánh giá cao. Cuối năm 2016, Đà Nẵng mở trang Facebook “Cảnh sát giao thông TP Đà Nẵng” để người dân và khách du lịch có thể tương tác, cung cấp thông tin, gửi kiến nghị, hình ảnh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông cũng như những bất cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn. Đây cũng là kênh thông tin giám sát tác phong và đạo đức công vụ của cảnh sát giao thông Đà Nẵng. Kênh thông tin này đã phát huy hiệu quả, là một minh chứng thiết thực cho việc các cấp chính quyền nên chủ động tương tác, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân qua mạng xã hội...
Không chỉ các cơ quan công quyền, với các cấp lãnh đạo, mạng xã hội cũng đang được coi là kênh thông tin hữu ích, giúp tiếp nhận và giải quyết phản ánh, khiếu nại của người dân nhanh chóng và hiệu quả hơn. Từ thực tế tiếp cận người dân qua cách thức mới mẻ này, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận xét: Hàng trăm ý kiến của người dân phản ánh đều là những vấn đề thiết thực, gần gũi với đời sống người dân như: vé phà qua sông, ô nhiễm môi trường... Quan trọng hơn, những vấn đề này không thấy được trong các báo cáo. Chia sẻ nêu trên khiến chúng ta liên hệ sự việc mới xảy ra ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội). Ngay sau khi nhận được phản ánh về việc người dân bị gây khó dễ khi đến xin giấy khai tử cho bố đẻ đăng tải trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, giải quyết kịp thời, lấy lại lòng tin của người dân vào chính quyền. Mới đây nhất là việc một Phó Chủ tịch UBND xã ở Hải Dương “bút phê” không đúng quy định vào lý lịch của người đi xin việc, sau khi được phản ánh trên mạng xã hội cũng đã được cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Theo luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, những sự việc này cho thấy việc sử dụng và phát huy mặt tích cực của mạng xã hội góp phần tạo dựng cầu nối giữa người dân với các cơ quan Nhà nước và là công cụ hữu ích, hiệu quả trong việc xây dựng một Chính phủ gần dân. Trước những chuyển động tích cực trong sự kết hợp giữa chính quyền và mạng xã hội, TS Huỳnh Văn Thông (Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhận xét: “Đó dù mới chỉ là những bước đi ban đầu của việc triển khai cải cách hành chính theo hướng hiện đại hóa, nhưng chắc chắn sẽ thúc đẩy những bước đi tiếp theo dựa trên nền tảng mới của internet (in-tơ-nét). Chúng ta cần những bước đi này để có thể sớm chứng kiến Chính phủ điện tử Việt Nam thành hiện thực”.
Trên thế giới, website chính phủ của nhiều quốc gia luôn hiện diện một “thành phần” quan trọng trên trang chủ là nút bấm kết nối đến các mạng xã hội như Facebook, Twitter... “Thành phần” không thể thiếu này góp phần lan tỏa rộng rãi các chính sách của chính phủ đến người dân, đồng thời cũng là cầu nối giúp tiếp nhận phản hồi của người dân với chính quyền. Hiện nay, Singapore (Xin-ga-po) được ghi nhận là quốc gia đầu tiên sử dụng mạng Workplace của Facebook trong lĩnh vực dịch vụ công. Theo đó, hơn 15 cơ quan và hơn 5.300 công chức tại quốc gia này đã được kết nối trên mạng xã hội Workplace. Theo Giám đốc Cục Dịch vụ công Xin-ga-po, việc sử dụng Workplace giúp giảm lượng email nội bộ, thay vào đó các lãnh đạo cấp cao sẽ đăng các thông báo quan trọng trên Workplace, tăng khả năng tương tác giữa lãnh đạo và nhân viên. Tại Hàn Quốc, ứng dụng chat Kakao Talk đã được chính quyền, cũng như toàn bộ hệ thống bảo tàng, bưu điện,... để kết nối với người dân. Tại nhiều quốc gia khác như Pháp, Mỹ, Ấn Độ,... việc sử dụng mạng xã hội để kết nối với người dân cũng được chính phủ khai thác một cách có hiệu quả.
Hiện nay, với 49 triệu người sử dụng internet, trong đó có 38 triệu người sử dụng mạng xã hội, Việt Nam đang đứng thứ 16 trong số 20 quốc gia có số người sử dụng internet cao nhất thế giới. Đây là một con số ấn tượng và được dự báo sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi Chính phủ và doanh nghiệp cam kết đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin. Số người sử dụng mạng xã hội tăng nhanh chóng và ngày càng trẻ hóa vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với chính quyền nhằm kết nối gần gũi hơn với người dân. Một trong những thách thức lớn nhất là việc các fanpage của các cơ quan chính quyền bị các đối tượng xấu làm giả mạo, gây nhiễu thông tin, kích động người dân. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong ba tháng đầu năm 2017 đã phát hiện 130 tài khoản giả mạo và 58 trang phản động, chống phá Nhà nước, kích động nhân dân phản đối chính sách Nhà nước. Vì thế, cần quản lý hiệu quả, nghiêm túc các trang fanpage này, dẹp bỏ những trang giả mạo, bảo vệ những trang thông tin chính thống. Thực tế cho thấy một chính sách mới được ban hành chỉ đạt được hiệu quả nếu đáp ứng đòi hỏi của thực tế và phù hợp lòng dân. Vì thế, nỗ lực xây dựng một chính quyền gần dân càng trở nên cần thiết bởi khi người dân có được niềm tin vào hệ thống công quyền, khoảng cách giữa chính quyền và người dân mới từng bước được xóa bỏ, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội.
|
MINH ANH Theo B áo Nhân dân |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét