Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Đừng trục lợi trên sinh mạng người bệnh

Không chỉ những loại thuốc thông thường, mà các thuốc đặc trị, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ cũng bị làm giả. Trong khi đó công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thuốc hiện nay vẫn còn nhiều bất cập khiến dư luận băn khoăn, lo ngại…
Cuối tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), phát hiện hai lô thuốc tẩy giun Fugacar giả được bày bán trên thị trường. Thông tin về vụ việc này làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng thuốc giả hoành hành đã và đang trở nên nguy cấp. Thời gian qua, sự việc liên quan đến các đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý luôn thu hút sự quan tâm của dư luận.
Phía sau đường đi của thuốc giả cho thấy các lỗ hổng trong công tác quản lý, sự xuống cấp trầm trọng về đạo lý, nhân cách của một số người trước sự cám dỗ của đồng tiền, mà đáng buồn trong số đó có cả những người khoác áo “lương y”. Không thể không phẫn nộ trước tình trạng này, tính mạng của rất nhiều người bệnh đang bị đe dọa bởi động cơ trục lợi của các đối tượng bất lương.
Thật ra, nạn thuốc giả đã tồn tại dai dẳng nhiều năm nay, gây bức xúc trong dư luận. Từ năm 2011, Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) đưa ra cảnh báo cho biết, châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, là thị trường béo bở của thuốc giả, nhất là thuốc chữa ung thư. Đây là loại thuốc mang lại những khoản lợi nhuận kếch sù. Do tính chất đặc thù, trực tiếp liên quan đến sinh mạng của con người nên khác với nhiều mặt hàng khác, ít có ai mặc cả khi mua thuốc, mà chấp nhận mua với mọi giá, miễn sao người thân nhanh khỏi bệnh. Nắm bắt được tâm lý này, một số đối tượng đã lợi dụng để tăng giá thuốc một cách tùy tiện, đồng thời nghĩ ra vô số chiêu thức làm thuốc giả hòng kiếm nhiều lợi nhuận hơn.
Không chỉ thuốc chữa ung thư, mà nhiều loại thuốc từ thông thường đến đặc trị, thậm chí các loại biệt dược chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, cũng bị làm giả, và được bán trên thị trường. Dòng chảy của thuốc giả có thể ví như những chiếc vòi bạch tuộc, len lỏi vào mọi ngóc ngách, xâm nhập vào từng gia đình, gây ra hậu quả khôn lường cho sức khỏe con người.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ thuốc giả được phát hiện liên tục tăng qua từng năm. Đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi trước tình trạng gia tăng của một số dịch bệnh, thì thuốc giả là một trong những nguyên nhân trực tiếp đe dọa an toàn sức khỏe của cộng đồng. Năm 2016, hàng loạt vụ việc liên quan sản xuất, buôn bán thuốc giả bị phát hiện và xử lý. Ngay ở trung tâm Hà Nội, đã phát hiện hơn 500 nghìn đơn vị thuốc nguồn gốc nước ngoài quá hạn sử dụng được tẩy xóa, bày bán công khai tại hơn 20 cửa hàng, trong đó có lượng lớn thuốc kháng sinh, thuốc thần kinh, cai nghiện...
Trong tám tháng đầu năm 2016, ở TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng bắt giữ hơn 100 vụ buôn bán thuốc giả, thuốc lậu. Sang năm 2017, thị trường thuốc giả không có dấu hiệu hạ nhiệt. Tháng 6 vừa qua, tại Bến Tre, cơ quan chức năng phát hiện và tiêu hủy hơn 40.000 vỉ thuốc tân dược giả. Cũng trong tháng 6, Công an TP Hải Phòng phát hiện một đường dây chuyên tổ chức sản xuất, mua bán các loại vi-ta-min giả cho trẻ em. Đường dây này tự sản xuất các loại thuốc, sau đó đóng gói, in nhãn mác hàng sản xuất tại Mỹ.
Đáng chú ý là hoạt động phi pháp này diễn ra từ năm 2010 đến nay với số lượng lớn. Chỉ tính riêng từ tháng 4-2014 đến thời điểm bị phát hiện, đường dây này sản xuất, bán ra hơn 19.000 sản phẩm vi-ta-min giả, phân phối cho nhiều hiệu thuốc ở Hải Phòng, Hà Nội. Thủ đoạn làm thuốc giả phổ biến được các đối tượng sử dụng là: thu gom thuốc hết hạn sử dụng với giá rẻ rồi thay nhãn mác thành thuốc ngoại; mua các loại thuốc rẻ tiền, in ấn vỏ hộp, nhãn mác giả thuốc nhập; chế biến thuốc giả rồi đóng hộp, in ấn bao bì giống thuốc thật; nhập nguyên liệu rẻ tiền từ nước ngoài mà phần lớn không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất thuốc giả. Đáng lo ngại là số dược liệu nhập khẩu “chui” ước tính mỗi năm hơn 40.000 tấn, phần lớn không rõ nguồn gốc.
Theo ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia, cần xem số dược liệu này là hàng giả. Tuy nhiên, việc phát hiện xử lý vẫn còn nhiều khó khăn trong khi chỉ cần thị trường có nhu cầu lớn về loại thuốc nào, “đội quân thuốc giả” lập tức vào guồng “sản xuất”, phân phối cho các cửa hàng với hoa hồng luôn ở mức cao để giành ưu thế cạnh tranh, cũng như xâm nhập hệ thống bệnh viện. Để che mắt lực lượng chức năng, một thủ đoạn khác được các đối tượng sử dụng là thành lập công ty nhằm hợp thức hóa việc kinh doanh thuốc giả.
Hậu quả từ việc sử dụng thuốc giả là vô cùng nghiêm trọng bởi thuốc không có hiệu quả trong điều trị bệnh, mà còn là nguyên nhân khiến các giải pháp điều trị bệnh bị vô hiệu hóa, kèm theo đó là những nguy cơ kháng thuốc, dị ứng thuốc, ngộ độc thuốc, đồng thời có thể phát sinh các loại bệnh nguy hiểm khác, thậm chí làm người bệnh tử vong. Nhưng làm thế nào để phát hiện thuốc giả? Đây là sự thách đố với người tiêu dùng. Do kỹ thuật in ấn, làm giả mẫu mã bao bì hiện nay quá tinh vi, nếu chỉ nhìn bề ngoài, ngay cả người trong ngành y cũng khó phân biệt thuốc thật thuốc giả. Bên cạnh đó, không phải ai cũng nắm được thông tin về các loại thuốc bị cơ quan chức năng phát hiện, đình chỉ, thu hồi, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vì thế hiện tượng người bệnh sử dụng thuốc có lệnh cấm lưu hành không phải là hiếm.
Không chỉ được bán tại nhiều cửa hàng thuốc, thuốc giả xâm lấn cả trên in-tơ-nét, các mạng xã hội, như facebook, zalo,... với các chiêu bài: thuốc bán trong nước không đáng tin cậy, phải dùng thuốc ngoại xách tay mới bảo đảm an toàn, giá rẻ hơn so với thị trường, kèm theo là hình ảnh minh họa cái gọi là “nguồn thuốc uy tín”, nhờ vậy đối tượng lừa đảo dễ dàng dụ được nhiều người mua thuốc. Trước sự bùng phát dịch vụ mua bán thuốc qua mạng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng tới 50% lượng thuốc bán trên in-tơ-nét là thuốc giả, ở Việt Nam tỷ lệ này có thể còn cao hơn. Tuy nhiên, do kinh doanh thuốc qua mạng không dễ xác định được danh tính cũng như địa chỉ đối tượng kinh doanh, nên tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Vì thế, không có cách nào khác là người tiêu dùng phải có biện pháp tự bảo vệ mình và người thân bằng việc mua thuốc ở những cơ sở có uy tín.
Trước nạn sản xuất và kinh doanh thuốc giả diễn ra ngày càng phức tạp về quy mô và tính chất, cần phải có các biện pháp ngăn chặn cứng rắn, mà trước hết không thể thiếu vai trò quan trọng của ngành y tế trong kiểm tra chất lượng thuốc, cấp phép nhập khẩu và giám sát hoạt động kinh doanh thuốc. Từ những sai phạm thời gian qua có thể thấy còn tồn tại nhiều lỗ hổng trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường thuốc như: kiểm soát nguồn thuốc, giá thuốc tại các cửa hàng còn thiếu chặt chẽ; việc cấp phép nhập khẩu thuốc còn nhiều bất cập mà sự việc của Công ty VN Pharma vừa qua là thí dụ điển hình. Có thể thấy thuốc giả sở dĩ tồn tại được là do những khoản lợi nhuận lớn mang lại.
Điều này lý giải vì sao không ít người sẵn sàng bất chấp pháp luật, chà đạp lên đạo lý để trục lợi trên sức khỏe, tính mạng của người khác. Thậm chí có những đối tượng từng chịu án tù vì tội làm thuốc giả, đến khi mãn án, ra tù lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”, với thủ đoạn tinh vi hơn. Trước diễn biến ngày càng khó lường của thị trường thuốc giả, cần xác định việc chống nạn thuốc giả là trách nhiệm của toàn xã hội, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước khác. Năm 2015, Interpol đã mở chiến dịch mang tên “Bão tố” tại 13 quốc gia châu Á, truy quét hàng trăm cơ sở sản xuất và đường dây buôn bán thuốc giả, bắt và thu giữ hơn hai tấn dược phẩm giả, trị giá 7 tỷ USD. Interpol cũng tổ chức một chiến dịch quy mô tại 115 quốc gia nhằm vào tội phạm thuốc giả trên in-tơ-nét.
Điều này cho thấy nạn thuốc giả đã trở thành vấn đề nghiêm trọng toàn cầu. Bởi vậy, các cơ quan chức năng như ngành y tế, công an, quản lý thị trường,... phải có sự phối hợp đồng bộ, kiên quyết hơn nữa trong công tác phòng chống, ngăn chặn nạn sản xuất và buôn bán thuốc giả bằng các biện pháp cụ thể, như: nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hoạt động kinh doanh thuốc; thông tin tới người dân những cửa hàng và sản phẩm thuốc không đạt tiêu chuẩn;... Với những sai phạm bị phát hiện cần xử lý nghiêm, đủ sức răn đe, truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, bắt bồi thường về thiệt hại, tùy mức độ có thể xem xét xử lý hình sự... Đó là phương cách thiết thực góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
ĐÔNG THÀNH
Theo Báo Nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét