Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

LUẬT SƯ VÕ AN ĐÔN - “TÂM” VÀ TIỀN

Nghề luật sư đã xuất hiện ở châu Âu từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại cùng với sự xuất hiện của pháp luật. Hoạt động của các luật sư được chấp nhận và uy tín của họ trong xã hội ngày càng được nâng cao. Nghề luật sư được xem như một nghề vinh quang trong xã hội. Ở Việt Nam, so với các ngành, nghề truyền thống lâu đời khác như “ngư, tiều, canh, mục”, “sĩ, nông, công, thương, binh” thì nghề luật sư ở Việt Nam còn khá non trẻ. Tuy nhiên, hiện nay nghề luật giữ vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống và được xã hội đề cao vì đã góp phần bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.

Trong thời gian qua, giới luật sư nổi lên trường hợp của Võ An Đôn, một cá nhân tự nhận là hoạt động vì “dân chủ”, “nhân quyền”, được tung hô là “một luật sư chân chính” vì những phát ngôn như: “trong giới luật sư Việt Nam không ai giàu lên bằng chính năng lực và sự cố gắng mà những luật sư giàu có đều nhờ chạy án”; “luật sư không có vai trò gì đối với công lý, chỉ là vật trang trí cho đẹp phiên tòa, để người khác nhìn vào phiên tòa có dân chủ, sự thật thì luật sư Việt Nam chỉ có vai trò duy nhất là cò chạy án để lừa người dân lấy tiền”…vừa qua đã bị Đoàn luật sư Phú Yên kỷ luật xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư. Ngay lập tức, dư luận trong các nhà “dân chủ” xôn xao cho rằng quyết định của Đoàn luật sư là bất công, suy diễn và không công bằng. Tuy nhiên, là người đã dõi theo những hoạt động của Đôn trong thời gian vừa qua, tôi rất ủng hộ quyết định này của Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên!

Xin thưa với Đôn rằng trong mắt tôi hiện giờ anh không còn là một luật sư nữa vì yếu tố quan trong nhất của người luật sư là cái “tâm” của một người luật sư trong anh đã không còn nữa. Tại sao tôi lại nói như vậy? Vì trước tiên, là một luật sư thì “tâm” phải trong sáng, theo nghề bằng con đường chân chính, bằng việc vận dụng đúng pháp luật. “Tâm” của nghề luật sư cũng giống như các nghề khác là một điều không thể định lượng nhưng có thể được biểu hiện bằng sự yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và sự phấn đấu nghiêm túc, trong sáng. Điểm ấy Đôn không có được kể từ khi anh không còn tôn trọng luật pháp Việt Nam, không tôn trọng đồng nghiệp của mình và đặc biệt là không tôn trọng thân chủ của chính mình.

Hành nghề luật sư nhưng Đôn lại không nghiên cứu kỹ Luật pháp Việt Nam, không hiểu luật (hoặc cố tình không hiểu) khi cho rằng các điều điều 79, 88, 258 của Bộ luật Hình sự Việt Nam là mơ hồ, mang tính áp đặt, vi phạm quyền tự do ngôn luận, các cơ quan chức năng lạm dụng để xử lý… nhằm bào chữa cho những bị cáo hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của nước ta. Luật sư Đôn dẫn chứng rằng Việt Nam đã gia nhập các điều ước quốc tế như Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền; Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị… khi tham gia các điều ước này thì nhất định phải tuân theo các nội dung của nó. Rất chính xác!! Tuy nhiên, khi anh dẫn cụ thể: Điều 2 của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền được thông qua ngày 10/12/1948 nêu rõ là “Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản tuyên ngôn này”;Điều 19 của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 16/12/1966 và có hiệu lực từ ngày 23/3/1976 cũng quy định “Mọi người có quyền tự do ngôn luận, quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”… Nhưng anh lại cố tình cắt mất phân đoạn quan trọng là Khoản 2 Điều 29 của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền cũng quy định: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra, những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”; Điều 19 của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cũng quy định “việc thực hiện những quyền trên phải kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt”, do đó việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất địnhđược quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Rõ là anh Đôn không có “tâm” nghiên cứu luật quốc tế và luật Việt Nam! “Tâm” của anh bây giờ chỉ để bịp những người “ngoại đạo” thôi nhỉ?

Khi phát biểu những câu mang tính chất “giật gân” như: “trong giới luật sư Việt Nam không ai giàu lên bằng chính năng lực và sự cố gắng mà những luật sư giàu có đều nhờ chạy án”; “luật sư không có vai trò gì đối với công lý, chỉ là vật trang trí cho đẹp phiên tòa, để người khác nhìn vào phiên tòa có dân chủ, sự thật thì luật sư Việt Nam chỉ có vai trò duy nhất là cò chạy án để lừa người dân lấy tiền”… Đã bao giờ Đôn nghĩ đến hai từ “tôn trọng” những người đồng nghiệp của mình hay chưa. Trên đất nước Việt Nam hiện nay có đến hơn 10.000 luật sư hành nghề bằng vào năng lực, sự phấn đấu và quyết tâm đem đến sự trợ giúp pháp lý cho mọi tầng lớp, mọi người dân trong xã hội này, hàng năm có hơn 350.000 vụ án được đưa ra xét xử có sự tham gia của các luật sư, trong số đó có rất nhiều vụ án được trợ giúp pháp lý miễn phí. Vậy, hỏi luật sư Đôn rằng trong tất cả những luật sư này đều sống nhờ “chạy án” hay sao? Giới luật sư Việt Nam đều “bất tài” như vậy sao? Trước khi phát ngôn để gây sự chú ý của dư luận từ những người “ủng hộ” ở những phương trời không phải là Việt Nam, thiết nghĩ luật sư Đôn nên có “tâm” để tôn trọng chính đồng nghiệp của mình.

Điều cuối cùng tôi muốn nói, đó là sự tôn trọng thân chủ của mình. Võ An Đôn nói là mình “bào chữa miễn phí” cho những người cần đến sự trợ giúp, hàng ngày “làm nông, nuôi bò” nhưng trong giới luật sư ai cũng hiểu rằng nguồn thu nhập của luật sư Đôn đến từ những nguồn tài trợ từ “bên ngoài” (thực tế luật sư Đôn chỉ vừa mới xây dựng được một căn nhà với giá trị“ít ỏi” 2 tỷ đồng giữa vùng quê nghèo của mình mà thôi - quá nổi bật cho hiệu quả tài trợ của các “nhà hảo tâm”)! Bỏ qua những lý do rằng tại sao họ lại trả tiền cho Đôn thì hiển nhiên là khi nhận tiền từ người khác để tham gia bào chữa cho thân chủ của mình thì chắc chắn rằng ưu tiên số một sẽ không còn giành cho thân chủ của mình mà là sự vừa lòng, vừa ý của những “nhà tài trợ”. Đây là điều tối kị nhất trong nghề luật sư vì người luật sư có “tâm” sẽ luôn biết đặt lợi ích của thân chủ lên vị trí tối cao, luôn vì mục tiêu tối ưu hóa lợi ích hợp pháp của thân chủ mà phấn đấu, không để bản thân bị tác động bởi các yếu tố khác. Chỉ buồn cho những thân chủ bị “lợi dụng” để làm một công cụ PR bản thân của Đôn mà vẫn không hề hay biết khi vị luật sư này nhận bào chữa vụ án nào thì y như rằng hôm sau trên trang facebook cá nhân sẽ xuất hiện bài viết cho rằng đây là “án bỏ túi”, luật sư chỉ có mặt cho “có lệ” vì tòa vẫn cứ tuyên y án mà thôi. Dù sao thì sau những vụ án này, Đôn cũng sẽ là người được biết đến nhiều hơn, những phát biểu “giật gân” sẽ càng được chú ý, sự quảng bá cho những tư tưởng lệch lạc sẽ hiệu quả hơn theo đúng ý đồ của “nhà tài trợ”, và hiển nhiên, tiền sẽ nhiều hơn mà thôi!

Nói đến đây, cũng đủ để thấy rằng “tâm” của Đôn không còn trong sáng nữa, chung quy cũng chỉ vì những đồng tiền mà thôi! Từ đây xin phép tôi được gọi Võ An Đôn là anh Đôn vì hiện nay anh đã không còn xứng đáng là một luật sư nữa – một nghề nghiệp cao quý chỉ giành cho những người có “tâm” trong sáng và chính trực.


TRẦN THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét