Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

CẢNH BÁO TÌNH TRẠNG RAO BÁN THỰC PHẨM CHỨC NĂNG QUA CÁC TRANG MẠNG XÃ HỘI


Hiện nay trên thị trường thành phố Tuy Hòa có rất nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo với nhiều công dụng khác nhau, các loại sản phẩm này thường được rao là “hàng xách tay” với đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Trong khi đó, “hàng xách tay” theo quy định chỉ được dùng cá nhân, không được bán. Tuy nhiên, tình trạng trên mạng xã hội rao bán thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe “xách tay” từ nước ngoài khá phổ biến... 

Trên địa bàn thành phố Tuy Hòa trong thời gian qua, Các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định về hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, điển hình là trường hợp Công ty  TNHH nghiên cứu và phát triển nông nghiệp CNC có hành vi vi phạm trên lĩnh vực quảng cáo: “Tổ chức Hội nghị giới thiệu sản phẩm thực phẩm không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định”, phạt tiền: 35.000.000 đồng; đồng thời, bóc trần những bài quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật. Những sản phẩm được nhà sản xuất "vẽ" với những công dụng thần kỳ, dù thực tế, tác dụng của chúng không được như quảng cáo. Để tăng sự "uy tín", nhà sản xuất thường thuê các diễn viên, thậm chí người nổi tiếng để quảng bá công hiệu cho sản phẩm, trong khi họ chưa hề sử dụng. Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, 60% quảng cáo thực phẩm chức năng trên các mạng xã hội là thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng - được quảng cáo chữa nhiều loại bệnh khác nhau từ: chữa xương khớp, tiêu hoá, tim mạch... và cả bệnh ung thư.

Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong giai đoạn đầu, song khi sử dụng càng lâu, nó sẽ khiến tổn thương nghiêm trọng đến thận gây ra nhiều chứng bệnh về tiêu hóa, nhất là đối với người đang điều trị bệnh nền thì việc này ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng của người sử dụng. Có thể thấy, việc làm giả các thực phẩm chức năng, thậm chí là thuốc điều trị bệnh không phải là vấn đề mới, song do nhu cầu mua trên mạng gia tăng nên việc kiểm chứng trực tiếp là rất khó, vì vậy việc tiêu thụ những sản phẩm thuốc giả này cũng trở lên dễ dàng hơn.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe bán trôi nổi. Khi mua các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn bán hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Trước sự phát triển mạnh mẽ của thông tin, mạng xã hội cùng sự nở rộ của các loại thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần có kiến thức, trách nhiệm với việc tiêu dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, khi người tiêu dùng chọn mua hàng online, đặc biệt là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe cần lựa chọn kỹ, nên xem xét rõ mặt hàng trước khi mua, tìm hiểu thông tin về công dụng sản phẩm, về doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, địa chỉ mua bán và cần xem các giấy tờ liên quan đến hàng hóa chứ không

nên chỉ nghe qua lời giới thiệu của người bán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét