Kể từ khi ra đời cho đến nay, internet đã trở thành nền tảng cơ sở hạ tầng quan trọng của các quốc gia và trở thành một mạng thông tin lớn nhất thế giới, xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ thương mại, giáo dục, văn hoá, xã hội đến chính trị, quân sự, an ninh, quốc phòng… với các loại hình dịch vụ đa dạng, phong phú. Tính kết nối của internet là mang tính toàn cầu, vượt ra khỏi biên giới, lãnh thổ của một quốc gia. Mọi tổ chức, cá nhân ở bất kỳ quốc gia, đất nước nào cũng có thể truy cập internet trên một máy tính hoặc trên một hệ thống máy tính kết nối internet. Vì thế, mạng internet đã được hàng tỷ người trên thế giới sử dụng, từ đó hình thành nên “cộng đồng mạng”.
Sự ra đời của mạng internet đã hình thành nên một “thế giới ảo” đan xen với thế giới thực, tạo tương tác tối đa trong mọi mối quan hệ xã hội. Bằng kết nối và tương tác thông qua internet, con người đã sáng tạo và sinh hoạt trong không gian mới – không gian mạng
Trong không gian mạng, con người có thể sinh hoạt, sáng tạo, trao đổi, giao dịch, chia sẻ thông tin với nhau. Khi đã trở thành một phần không gian sống của con người, không gian mạng đã trở thành đối tượng mà các quốc gia, các tổ chức và cá nhân tìm cách làm chủ, chi phối, tác động. Để phân chia hợp lý và quản lý không gian mạng, các quốc gia đã đưa ra các quan niệm về: lãnh thổ không gian mạng, chủ quyền không gian mạng, biên giới mạng, cửa khẩu mạng, an ninh mạng… Đồng thời với đó, các quốc gia đã quan tâm đến việc xây dựng chính sách, pháp luật để quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên không gian mạng và bảo vệ các cơ sở hạ tầng mạng nằm trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, thực thi quyền tài phán về hoạt động mạng trong lãnh thổ của mình.
Từ góc nhìn của một quốc gia, không gian mạng đã trở thành miền tác chiến mới trong hoạt động quân sự, an ninh, tình báo của mỗi nước. Những vấn đề mới nảy sinh mang tính thách thức đối với an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống cũng đã làm thay đổi căn bản tư duy và hành động của các nước, nhất là trong triển khai các hoạt động tình báo. Nhiều nước coi không gian mạng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, an ninh, tình báo. Do không gian mạng là không gian kết nối toàn cầu bởi các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (bao gồm internet, các mạng viễn thông, các hệ thống máy tính, các hệ thống xử lý và điều khiển thông tin) nên trong môi trường không gian mạng, xu thế hợp tác và đối đầu giữa các quốc gia, dân tộc luôn diễn ra.
Hợp tác trên không gian mạng cũng giống như hợp tác ngoài thực tiễn đời sống xã hội, đó là hợp tác về chính trị, đối ngoại, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, an ninh, quốc phòng… Những năm qua, xu thế hợp tác trên không gian mạng giữa các quốc gia biểu hiện rõ nét nhất ở việc trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ, hợp tác an ninh, tình báo, phòng, chống tội phạm; hợp tác trong tổ chức diễn tập tấn công, phòng thủ trên không gian mạng.
Cùng với hợp tác, xu thế đối đầu trên không gian mạng cũng đã xuất hiện gay gắt. Trên không gian mạng, các hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng internet đã trở thành phương tiện, vũ khí lợi hại để các cơ quan tình báo mạng sử dụng triển khai các hoạt động nhằm đem lại những lợi thế cho việc đảm bảo lợi ích, an ninh nước mình và tìm cách kìm chế, đe doạ hoặc gây phương hại cho đối phương. Vì thế, không gian mạng đã trở thành miền tác chiến mới cho sự ra đời của gián điệp mạng. Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, mạng internet và công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, thông tin và tài nguyên thông tin trên không gian mạng đã trở thành nguồn lực của quốc gia, vừa là động lực vừa là mục đích của sự phát triển. Trong bối cảnh ấy, nhiều quốc gia đã sử dụng gián điệp mạng như một vũ khí, phương tiện để thực hiện mục đích, ý đồ chính trị, kinh tế.
Cho tới nay, chưa có tài liệu chính thức nào khẳng định sự ra đời của gián điệp mạng. Tuy nhiên, nghiên cứu thấy rằng, vào những năm 1986, khi hầu hết các máy tính ở Mỹ còn nối với nhau qua đường dây điện thoại và khái niệm “hacker” còn được hiểu theo nghĩa tốt đẹp - đó là những người có tri thức về khoa học máy tính, sử dụng máy tính vào những mục đích chính đáng, thì cũng là thời điểm Clifford Stoll một trong những chuyên gia máy tính đã phát hiện ra vụ gián điệp mạng nổi tiếng mà sau này được chính ông thuật lại trong cuốn sách “Cuckoos Egg”, cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt với tên gọi “Gián điệp mạng”. Có thể thấy, gián điệp mạng ra đời là quy luật tất yếu gắn với sự ra đời, phát triển của internet, mạng máy tính và không gian mạng. Gián điệp mạng ra đời đóng vai trò là công cụ, biện pháp, chiến thuật hợp lý để các nước sử dụng vào mục đích cân bằng sức mạnh, giảm thiểu khoảng cách với cả đối tác và đối thủ cạnh tranh; đồng thời, để phù hợp với xu thế và nắm bắt nhiều hơn, đa dạng hơn các nguồn thông tin phục vụ mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng…Vì thế, an ninh không gian mạng ngày càng bao hàm một chương trình nghị sự rộng lớn hơn, có hoà bình và an ninh quốc gia, thay vì chỉ là vấn đề kỹ thuật về tích hợp và duy trì mạng. Các nước lớn, nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nga luôn muốn giành quyền quản lý tài nguyên mạng, lãnh đạo thế giới qua không gian mạng, làm chủ công nghệ và khả năng dẫn dắt thế giới trên không gian mạng trong tương lai và xác lập, giữ vững chủ quyền không gian mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét