Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

ĐỔI MỚI TRONG CHÍNH SÁCH CẤP THỊ THỰC ĐIỆN TỬ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CỦA VIỆT NAM

 

 

Ngày 24/6/2023, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 (gọi tắt là Luật số 23), quy định nhiều điểm mới về xuất nhập cảnh của người nước ngoài (NNN) tại Việt Nam, đáng lưu ý là chính sách cấp thị thực điện tử (hay visa điện tử, ký hiệu EV) cho NNN được quy định đơn giản, thông thoáng hơn theo hướng thuận lợi cho NNN nhập cảnh Việt Nam, cụ thể là: 

1. Thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ

Ngày 14/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép NNN nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Theo đó, Chính phủ quyết nghị thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ, mở rộng diện cấp thị thực điện tử cho NNN nhập cảnh Việt Nam so với Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 25/5/2020 và Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 27/4/2022. Việc cho phép công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ được xin cấp thị thực điện tử sẽ giúp họ dễ dàng hơn khi quyết định tới Việt Nam, tạo bước ngoặt về phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, công dân Việt Nam cũng được tạo điều kiện thuận lợi nhập cảnh theo nguyên tắc có đi có lại.

2. Thời hạn thị thực điện tử được nâng lên từ không quá 30 ngày thành không quá 90 ngày và có giá trị 1 lần hoặc nhiều lần

Luật số 23 đã nâng thời hạn thị thực điện tử lên từ không quá 30 ngày thành không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho NNN muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, việc này cũng phù hợp với thời gian lưu trú đối với NNN chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại, người chào bán dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng như cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định FTA.

Bên cạnh đó, việc xin cấp thị thực điện tử cho NNN được tiến hành trên môi trường điện tử với thủ tục đơn giản, nhanh chóng nên rất thuận tiện, dễ dàng cho NNN trong việc tiếp cận, thực hiện. Theo đó, NNN có nhu cầu vào du lịch, tìm hiểu thị trường, đầu tư...  chưa có điều kiện liên hệ với cơ quan, tổ chức ở Việt Nam có thể tự đề nghị cấp thị thực điện tử mà không cần có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước mời, bảo lãnh. Toàn bộ quá trình từ đề nghị cấp thị thực điện tử đến xử lý, giải quyết cấp và nhận, in thị thực điện tử cũng như nộp phí thị thực đều được thực hiện qua môi trường điện tử. NNN có thể tự in thị thực thông qua hệ thống giao dịch điện tử, không phải làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài hoặc tại cửa khẩu quốc tế, không phải qua khâu trung gian.

 

Chính sách mới về cấp thị thực điện tử cho NNN của Việt Nam không chỉ tạo ra sự đổi mới, thuận lợi về mặt thị thực, thủ tục xuất nhập cảnh cho NNN mà còn thúc đẩy, thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam, góp phần tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và tạo động lực mạnh mẽ để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Bên cạnh đó, với chủ trương cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dịch vụ công hiện nay, các thủ tục về xuất nhập cảnh cho NNN, nhất là cấp thị thực điện tử đã được tiến hành trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người Việt Nam và NNN.

3. Thời hạn tạm trú đối với công dân của 13 nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được mở rộng lên 45 ngày

Ngày 14/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 về việc miễn thị thực cho công dân một số nước. Cụ thể, miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Pháp, Cộng hoà Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thuỵ Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hoà Phần Lan và Cộng hoà Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, so với Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022, thời hạn tạm trú đối với công dân các nước trên sẽ được nâng từ 15 ngày lên 45 ngày.

Đây là những chính sách mang tính đột phá, khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương mở cửa đối với NNN đến Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thị thực, xuất nhập cảnh cho NNN với thủ tục đơn giản, nhanh gọn và hình thức đa dạng theo nhu cầu của NNN khi nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời, chính sách này cũng góp phần thúc đẩy, thu hút NNN đến Việt Nam du lịch, đầu tư, hợp tác kinh doanh và nghiên cứu khoa học, tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và tạo động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Việc thực hiện Luật số 23 đã tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích cho Việt Nam trong việc thu hút du khách quốc tế, đồng thời cũng giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc xuất nhập cảnh và du lịch góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét