Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

Ý KIẾN CỦA CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐÃ THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN “LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ ANTT Ở CƠ SỞ”

                                                   

Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đã có 144 lượt ý kiến phát biểu, hầu hết ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm ANTT ở cơ sở.

Một là, về sự cần thiết và mục tiêu ban hành Luật: Trước diễn biến phức tạp của tình hình ANTT, hoạt động của lực lượng Công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, cũng như việc tiếp cận để hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, hiện nay các vụ việc phức tạp liên quan đến ANTT đều xảy ra ở cơ sở, nhất là các vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, gây rối trật tự công cộng, hoạt động của một số loại tội phạm, tệ nạn xã hội ở cơ sở vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tình hình vi phạm các quy định về tham gia giao thông, về quản lý cư trú… diễn ra khá phổ biến, nên sự tham gia, hỗ trợ của các lực lượng này là một đòi hỏi tất yếu.

Mục tiêu của việc xây dựng Luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 03 lực lượng “sẵn có” thành 01 tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ ANTT ở cơ sở. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lực lượng thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng tình nguyện, tự quản, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ chung cư… sẽ không phù hợp về vị trí, vai trò, cũng như tính chất hoạt động giữa lực lượng do chính quyền thành lập với lực lượng hoạt động tự quản hoặc theo hợp đồng dịch vụ bảo vệ…

Hai là, về tên gọi: Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu tên gọi của Luật cho phù hợp, có thể lấy tên là: “Luật Bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở” hoặc “Luật về công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở dựa vào cộng đồng” hoặc “Luật Tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”; đồng thời đề nghị làm rõ thêm nhiều nội dung quy định chức năng, nhiệm vụ như lực lượng Công an cấp xã, chưa thể hiện hết vai trò “tham gia”. Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tên gọi “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” đã khái quát đầy đủ và thống nhất với nội dung dự thảo Luật, thể hiện đúng bản chất là lực lượng “tham gia hỗ trợ” cho Công an cấp xã trong bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Ba là, về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn vị trí, chức năng của lực lượng này để tránh chồng chéo, trùng lặp với vị trí, chức năng của Công an cấp xã. Một số ý kiến đề nghị xác định rõ đây là lực lượng của Nhà nước hay là lực lượng quần chúng, làm rõ hơn tính chất, mức độ, phạm vi tham gia hỗ trợ cho lực lượng Công an. Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã được bổ sung Điều 2 (Giải thích từ ngữ), chỉnh lý làm rõ khái niệm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; là lực lượng hỗ trợ cho lực lượng Công an nhân dân; các nhiệm vụ đảm bảo ANTT ở cơ sở thì lực lượng Công an cơ sở vẫn là lực lượng nòng cốt nên đảm bảo tính phù hợp, không chồng chéo, trùng lặp.

Bốn là, một số ý kiến đề nghị bổ sung quyền hạn, giới hạn về độ tuổi, giới hạn về giới tính của lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn, không thuộc bộ máy nhà nước, tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã nên việc quy định quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của lực lượng này là không phù hợp. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong bảo vệ ANTT đã được quy định trong Hiến pháp, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời việc quy định độ tuổi sẽ khó thu hút được người dân tham gia, nhất là có những người dù cao tuổi nhưng vẫn đủ sức khỏe, có kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác xã hội, có uy tín… nên thực hiện rất tốt công tác hỗ trợ đảm bảo ANTT ở cơ sở.

Về giới tính, trên thực tế vẫn có nhiều Công an bán chuyên trách, dân phòng, bảo vệ dân phố là nữ đáp ứng yêu cầu công tác nên việc giới hạn về giới tính sẽ không phù hợp với thực tế, không phù hợp với Luật Bình đẳng giới.

Năm là, nhiều ý kiến đề nghị đánh giá kỹ về kinh phí và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đề nghị có số liệu minh chứng “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn số người tham gia hiện nay khoảng 300.000 người. Đây là một trong những nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội và Nhân dân quan tâm góp ý và đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn.

Vấn đề này được Chính phủ giao Bộ Công an và Bộ Tài chính nghiên cứu đánh giá tổng thể như sau: Số người tham gia hiện có khoảng 300.000 người như trong Tờ trình dự án Luật là con số tổng hợp của các lực lượng Công an xã bán chuyên trách, dân phòng và bảo vệ dân phố hiện còn đang duy trì. Về lâu dài sẽ giảm dần về số lượng; căn cứ vào tính chất địa bàn, quy mô dân số, diện tích tùy từng địa phương sẽ bố trí cho phù hợp, không nhất thiết phải bố trí đủ ở các thôn mà có thể một tổ phụ trách nhiều thôn; đồng thời tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã nên dự báo số lượng này sẽ giảm hơn nên sẽ “không tăng” về số lượng. Về kinh phí, dự thảo Luật đã tiếp thu, kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng TGBVANTT ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Sáu là, một số ý kiến đề nghị quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng này để vừa bảo đảm cho lực lượng này thực hiện được nhiệm vụ, vừa thu hút lực lượng tham gia và bảo đảm yên tâm công tác, nhất là nhiều người thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe nhưng chưa có bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác nên không thu hút được người tham gia; đồng thời đề nghị bổ sung quy định giải quyết trường hợp lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp, chi hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đảm bảo tính khả thi và khả năng chi trả kinh phí, đảm bảo của địa phương. Trường hợp cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản và hy sinh thì được áp dụng các quy định để giải quyết theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng nên không bổ sung quy định tại Luật này.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét