Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

LỢI ÍCH CỦA CHỦ TRƯƠNG SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, XÃ

 

Trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là yêu cầu hết sức khách quan và cấp thiết. Vì vậy, ngày 12/7/2023, Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/7/2023. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước hướng đến mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử.

Việc chia, tách đơn vị hành chính các cấp đã nảy sinh một số bất cập và hạn chế. Nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực của địa phương và Trung ương cho phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương tăng; ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc tăng; đại đa số các đơn vị cấp huyện, cấp xã thu ngân sách tại địa phương không đủ cân đối chi thường xuyên, chủ yếu Trung ương phải hỗ trợ.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Thông qua sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để từng bước đổi mới, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Với quan điểm chỉ đạo là mỗi một đơn vị hành chính được sáp nhập phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư…. việc sắp xếp phải đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác, nên Đảng, Nhà nước rất khuyến khích người dân có ý kiến góp ý xây dựng và đề xuất những giải pháp thực thi Nghị quyết hiệu quả, như lời Bác Hồ dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tuy nhiên, lợi dụng việc góp ý để xuyên tạc, kích động, đưa ra những quan điểm sai trái với động cơ, mục đích xấu nhằm tạo nhận thức lệch lạc trong quần chúng nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước thì cần phải được ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Tất cả vì sự thịnh vượng, hòa bình, phát triển của đất nước Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét