Sự xuất hiện của không gian mạng đã tạo ra những thay đổi vô cùng to lớn đối với đời sống xã hội cũng như quan hệ quốc tế. Không gian mạng tạo ra một thế giới kết nối, làm cho con người gần nhau hơn, hưởng lợi và chấp nhận thách thức nhiều hơn. Cuộc sống của nhân loại trong sự phát triển của không gian mạng đang “phẳng” hơn, “nhanh” hơn, đa chiều nhiều hướng hơn, tương tác mạnh mẽ hơn với các mối quan hệ và với không gian sống, thậm chí với chính một phần con người không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Trong kỷ nguyên thông tin ấy, cuộc sống của con người, của xã hội là sự đan xen của thực và ảo, phần ảo đang ngày càng đóng vai trò lớn hơn, lấn át phần thực và thậm chí thiếu sự kiểm soát, dẫn đến nhiều mối đe dọa. Các mối đe dọa này đang ngày càng hiện hữu, buộc thế giới bớt chạy theo các lợi ích, mà hướng sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ hơn tới các mối đe dọa mang tính toàn cầu, trong đó có gián điệp mạng.
Gián điệp mạng là một thuật ngữ khá mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Gián điệp mạng có những điểm khác biệt so với gián điệp truyền thống, đó là tính ẩn danh cao của đối tượng thực hiện hành vi gián điệp và hành vi khác xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng là các loại vũ khí mạng (lỗ hổng bảo mật, virus, phần mềm gián điệp…) khó có thể nhận diện, phát hiện, thậm chí nếu có nhận diện, phát hiện thì việc xác minh, xác định nguồn gốc là vô cùng khó khăn… Vì thế, chúng ta cần có cái nhìn khách quan và xa hơn về tương lai không gian mạng để có chiến lược phát triển công nghệ thông tin, tận dụng tối đa mọi cơ hội trong thế giới kết nối nhằm mang lại sự phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội, gắn với bảo vệ an ninh thông tin, an ninh quốc gia cũng như giữ gìn nền hoà bình trên phạm vi toàn cầu.
Chúng ta cần phải nhìn nhận rõ những bất cập về chính sách, pháp luật, về hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, về tổ chức bộ máy và ý thức tuân thủ các chuẩn mực hay sự buông lỏng, kém hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sự lạc hậu và thiếu đồng bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực, ngành nghề quan trọng, dẫn đến làm nảy sinh nguyên nhân, điều kiện để gián điệp mạng có thể lợi dụng thực hiện các cuộc tấn công mạng thông tin quốc gia, đe dọa an ninh, an toàn thông tin, đánh cắp bí mật, kích động biểu tình, gây bạo loạn, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và thực hiện “diễn biến hoà bình”. Đồng thời, cần phải nâng cao nhận thức, hiểu và nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển công nghệ thông tin trong bối cảnh xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng các thành phố thông minh với sự ứng dụng ngày càng cao các thành tựu khoa học, các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet; đồng thời, nhận thức rõ những khó khăn, tồn tại trong quá trình phát triển công nghệ thông tin khi mà chúng ta đang có nhiều yếu điểm về cơ sở pháp lý, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng mạng thông tin…
Trong bối cảnh tình hình mới, trước những yêu cầu mới đặt ra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, ứng phó với các mối đe dọa từ gián điệp mạng nói riêng để góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, an ninh thông tin trong mọi tình huống. Muốn vậy, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và cơ sở pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh thông tin, tiếp tục triển khai các biện pháp, nhất là biện pháp kỹ thuật phòng, chống gián điệp mạng, đẩy mạnh và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống gián điệp mạng và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, trang bị phương tiện kỹ thuật đảm bảo các yêu cầu phòng, chống gián điệp mạng.
Với những chính sách phù hợp và các giải pháp khả thi, chúng ta có đủ cơ sở để chủ động ứng phó với mối đe dọa từ gián điệp mạng, bảo vệ an ninh mạng, an ninh thông tin, an ninh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét