Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

ĐẶC XÁ THA TÙ TRƯỚC THỜI HẠN LÀ CHỦ TRƯƠNG NHÂN VĂN

 

Nhân dịp Quốc khánh 02/9/2022, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 978/QĐ-CTN, ngày 30/8/2022 quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 2.438 người. Đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vừa nghiêm minh trong xét xử người phạm tội, vừa khoan hồng, nhân đạo đối với những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động tốt, tạo điều kiện để họ tái hoà nhập cộng đồng. Bên cạnh công tác xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, công tác xét, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện định kỳ các đợt trong năm, công tác đặc xá trong các dịp đặc biệt đã khuyến khích các phạm nhân học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt để sớm được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, trở về đoàn tụ với gia đình và hòa nhập với cộng đồng xã hội.



Trong lúc đất nước đang còn gặp rất nhiều khó khăn vì phải tập trung khắc phục các thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 2.438 phạm nhân vào đúng dịp Quốc khánh thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Quyết định đặc xá năm nay tiếp tục phản ánh rõ sự ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng thời, bác bỏ lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động vu cáo Chính phủ Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, vi phạm “quyên con người”, giam giữ “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”,“ áp dụng một cách bất công Bộ luật Hình sự”; chúng vu cáo Chính phủ Việt Nam có “chính sách hai mặt” trong việc giam giữ tù nhân chính trị đó là: Về mặt công khai dư luận thì khép vào tội “vi phạm luật pháp” nhưng trên thực tế là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”; mặt khác, các thế lực thù địch còn xuyên tạc các cơ quan tư pháp Việt Nam tổ chức tra tấn, bức cung, nhục hình đối với những người bị tạm giữ, tạm giam; có chính sách phân biệt đối xử giữa “tù nhân chính trị” với tù nhân khác; ngăn cản thân nhân vào thăm; bắt giữ và xét xử tùy tiện; duy trì án tử hình...,đồng thời, các thế lực thù địch còn luôn rêu rao cho rằng “Tù chính trị bị phân biệt, đối xử trong công tác đặc xá”; dựng chuyện “một số tù nhân chính trị” tuyệt thực vì bị phân biệt đối xử, vì không có cơ hội được giảm án, đặc xá trong công tác thi hành án phạt tù hiện nay.

 

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, sau khi xảy ra vụ án Dùng nhục hình đối với đối tượng Ngô Thanh Kiều tại Công an Thành phố Tuy Hòa vào năm 2012, với tư cách là luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho gia đình người bị hại, Võ An Đôn cùng với đám luật sư dân chủ như Trần Thu Nam, Lê Văn Luân... thường xuyên đăng tải các thông tin sai sự thật về công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với các bị cáo (nguyên là các cán bộ Công an Thành phố Tuy Hòa); vu cáo các cơ quan tư pháp của tỉnh Phú Yên có hành vi gây khó dễ, chèn ép, cản trở luật sư, gia đình bị hại, bưng bít thông tin hòng che giấu hành vi phạm tội của các bị cáo mà không hề đưa ra bất cứ một bằng chứng nào để chứng minh. Ngoài ra, Võ An Đôn còn thường xuyên trả lời phỏng vấn các đài phản động ở nước ngoài như chantroimoi, bbc, voa, rfi, ...với các nội dung bôi nhọ Đảng, Nhà nước, xuyên

tạc tình hình chính trị trong nước. Nhiều bằng chứng chứng minh, Võ An Đôn đã nhận tiền tài trợ từ các tổ chức phản động bên ngoài để tham gia hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng chống đối ở trong nước khi bị bắt, xét xử, viết bài xuyên tạc, vu cáo các cơ quan tư pháp Việt Nam.

 

Thực tế đã chứng minh tại Việt Nam mọi đối tượng vi phạm pháp luật đều bị

xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, hoàn toàn không có khái niệm “tù nhân lương tâm” hay “tù nhân chính trị”; hoàn toàn không có việc bắt giữ, điều tra, truy tố, xét xử đối với những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp những người “bất đồng chính kiến” hay giam giữ “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”; hoàn toàn không có việc phân biệt đối xử giữa phạm nhân có quốc tịch Việt Nam với phạm nhân có quốc tịch nước ngoài mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị bắt giữ, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy định của Bộ luật hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam...Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Điều 14, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Nghị quyết Đại hội XIII cũng nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét