Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

BẰNG CHỨNG THÉP


          Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, đó là sự thật, là chủ quyền không thể chối cãi, không thể bị xâm phạm bởi bất kỳ một thế lực thù địch hay một quốc gia, vùng lãnh thổ nào khác. Việt Nam có đầy đủ cở sở pháp lý về chủ quyển trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

          Sau khi kết thúc 1000 năm đô hộ của phương Bắc, các triều đại như Lý, Trần, Lê, Nguyễn từng bước mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, dần dần hình thành lãnh thổ, lãnh hải của nước Việt Nam như ngày hôm nay. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông cho vẽ bộ Hồng Đức bản đồ gồm 13 xứ thừa tuyên, có vùng duyên hải chạy dài đến núi Thạch Bi (Khánh Hòa) và biển, đảo tỏa ra khắp Đông Hải (Biển Đông). Giữa Biển Đông có một địa danh mới được đánh dấu là Bãi Cát Vàng. Đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn Phúc Nguyên mở rộng lãnh thổ xuống miền Đông Nam Bộ, đặt ra đội Hoàng Sa để khai thác và quản lý khu vực Bãi Cát Vàng. Đến cuối thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn Phúc Chu chính thức xác lập quyền quản lý về mặt nhà nước đối với miền Đông Nam Bộ và tiến ra chiếm lĩnh khu vực nam Biển Đông. Năm 1711, sau khi tiếp nhận vùng đất Hà Tiên, chúa Nguyễn Phúc Chu giao cho Mạc Cửu tổ chức khảo sát, đo vẽ và quản lý Trường Sa hải chử (tức là quần đảo Trường Sa ngày nay).

          Như vậy, đến đầu thế kỷ XVIII, chủ quyền Việt Nam đã mở rộng đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau, bao gồm cả các hải đảo trên Biển Đông và Vịnh Thái Lan. Lúc này, bên cạnh đội Hoàng Sa, chúa Nguyễn còn đặt thêm đội Bắc Hải để phối hợp khai thác hoá vật, kiểm tra, kiểm soát, thực thi chủ quyền của Việt Nam trên toàn bộ khu vực biển đảo rộng lớn này. Năm 1802, sau khi lê ngôi vua Gia Long cho tái lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải và đến năm 1816, bằng các hoạt động liên tục thăm dò đường biển, thực thi chủ quyền một cách kiên quyết và đồng bộ, ông đã cắm một cột mốc lớn trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Giám mục Jean Louis Taberd xác nhận: "Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông ta". Ông cũng đồng thời xuất bản An Nam đại quốc hoạ đồ đánh dấu một cách tuyệt đối chính xác Paracel hay Bãi Cát Vàng trên bản đồ Việt Nam, mà không ai có thể phủ nhận hay xuyên tạc được. Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động mạnh và hiệu quả, nhất là dưới thời vua Minh Mạng đã đưa hoạt động chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều hình thức và biện pháp như vãng thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết... Mỗi chuyến ra đi Hoàng Sa, Trường Sa đều có quyết định của triều đình và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp quyết định việc có cho thuyền ra khơi ngay, hay tạm dừng lại. Sau khi kết thúc công việc, thuyền phải chạy thẳng về kinh đô báo cáo tình hình, khai nộp hóa vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra, đánh giá, luận công, định tội, thưởng phạt nghiêm minh.

Bản vẽ Đại Nam nhất thống toàn đồ thời Minh Mạng thể hiện rõ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam



          Năm 1909, lợi dụng hoàn cảnh Việt Nam đang bị thực dân Pháp đô hộ và thực dân Pháp lúc bấy giờ chưa có điều kiện để quan tâm đến Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc lần đầu tiên cho người ra Hoàng Sa, tự phong là kẻ có công "phát hiện" và tùy tiện đặt tên mới cho các đảo, mở đầu giai đoạn tranh chấp trên Biển Đông kéo dài cho đến tận ngày nay.

          Tại Hội nghị San Francisco (tháng 9-1951) - hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham dự của đại diện 51 quốc gia. Với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, phái đoàn đại diện cho Nhà nước Việt Nam do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu thuộc Chính phủ Bảo Đại làm trưởng đoàn đã tham gia hội nghị.Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Trần Văn Hữu nhấn mạnh: “để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam”. Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và không gặp phải sự bảo lưu hay phản đối nào của đại diện các nước tham dự hội nghị.

Bản đồ thể hiện chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam

          “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, còn rất nhiều tư liệu, bằng chứng về tính lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vẫn được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, tiếp nối, với quyết tâm bảo vệ đến cùng mỗi tấc đất, vùng trời, vùng biển của tổ tông để lại, bất chấp những diễn biến phức tạp và khó lường của thực tế và những âm mưu thâm độc, sâu hiểm của các thế lực thù địch trong việc tranh giành chủ quyền với Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét