Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

NỖ LỰC CỦA VIỆT NAM TRONG LOẠI BỎ TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI

 

 

Ngày 19/7/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo về nạn buôn người toàn cầu năm 2022, theo đó, Việt Nam cùng với 10 quốc gia khác bị xếp vào nhóm 3 – tức Nhóm các nước không đáp ứng các tiêu chuẩn tổi thiểu để loại bỏ nạn mua bán người và không có các nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn này (giảm một bậc so với năm 2021). Các nước Nhóm 3 bị cho là có ít nhất một trong các vấn nạn sau: Buôn người trong chương trình do Chính phủ tài trợ, lao động cưỡng bức trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác do chính phủ liên kết, nô lệ tình dục trong các doanh trại của chính phủ hoặc tuyển dụng binh lính là trẻ em. Cũng theo báo cáo này, những nước nằm trong nhóm 3 có thể bị hạn chế nhận một số viện trợ từ Mỹ trong tương lai.

Đây là những cáo buộc vô căn cứ của Mỹ; không phản ánh đầy đủ và chính xác” về tình hình cũng như nỗ lực của Việt Nam.

Trước báo cáo từ phía Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn bán người với sự tập trung cao độ của tất cả bộ, ngành và địa phương. Ngoài chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng 2030 công bố vào tháng 2/2021, Việt Nam còn ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020. Những văn bản chính sách pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng được ban hành suốt thời gian qua.

Điều đáng nói là dù đưa ra nhiều cáo buộc vô căn cứ về tình hình Việt Nam, nhưng báo cáo của Mỹ vẫn phải công nhận rằng: “Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến để giải quyết nạn buôn người…”. Báo cáo cũng chỉ ra rằng Việt Nam hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn so với năm 2021. Bộ Công an cũng tập trung chỉ đạo nhằm kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm mua, bán người xảy ra ở Việt Nam.

Ngày 18/7/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký quy chế phối hợp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn người. Ngày 29/7/2022, Bộ Công an phối hợp Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” với chủ đề “Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” nhằm lan tỏa thông điệp chương trình và khẳng định cam kết của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người.

Ở khía cạnh quốc tế, Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế. Ngày 24/5/2022, Việt Nam đã tham dự Diễn đàn “Rà soát di cư quốc tế lần thứ nhất”, qua đó, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong việc củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người núp bóng hoạt động di cư quốc tế.

Trên thực tế, Việt Nam được đánh giá là thành viên có trách nhiệm và đạt được những thành tích rất tích cực bất chấp tác động xấu từ đại dịch Covid-19 lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn 2021-2022. Mặc dù vậy, phía Mỹ vẫn cố tình hạ thấp những thành tựu này và thổi phồng một số cáo buộc vô căn cứ.

Việc đánh giá thiếu khách quan, phản ánh không đúng với thực tế chắc chắn sẽ làm giảm uy tín, giá trị của các bản báo cáo về nạn buôn người toàn cầu của Mỹ đối với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét