Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

VẤN ĐỀ SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG TRONG HỌC SINH HIỆN NAY

 


 

Một năm học mới đã bắt đầu, song song với việc thực hiện công tác tổ chức tại các trường, gia đình phụ huynh trang bị cho con em mình sách vở, thiết bị…phục vụ tốt nhất cho việc học của con em,hiện nayviệc thay đổi môn học tổ hợp hay môn Lịch sử bắt buộc, sách giáo khoa…là những vấn đề được dư luận quan tâm; trong đó có một vấn đề tuy rằng chưa phải là quan trọng nhất nhưng cũng đáng để phụ huynh suy ngẫm: đó làm việc trang bị cho con em mình điện thoại di động. Với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc các gia đình trang bị cho con cái điện thoại thông minh với nhiều chức năng, nhằm nhiều mục đích như quản lý con cái, tạo điều kiện thích ứng với công nghệ hiện đại, liên lạc khi có việc cần thiết…nhưng với ý nghĩa chính là phục vụ học tập là điều mà hầu hết mọi gia đình đều làm. Vậy, việc trang bị điện thoại cho con cái để phục vụ học tập có thật sự cần thiết?

Theo Khoản 4, Điều 37, Thông tưsố: 32/2020/TT-BGDĐTngày 15/9/2020, Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, qui định các hành vi học sinh không được làm: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Theo Hướng dẫn số 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp họcthì :Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học.

Vì vậy, theo qui định của ngành giáo dục, việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong quá trình học tập trên lớp mà chưa có sự đồng ý của giáo viên là vi phạm qui định. Vậy nên, việc lấy lý do trang bị điện thoại, nhất là điện thoại thông minh để phục vụ học tập là điều chưa thật sự cần thiết khi đến trường

Ngoài ra, những hệ lụy từ việc cho học sinh sử dụng điện thoại còn rất nhiều nhưng có thể phụ huynh và gia đình chưa quan tâm,theo dõi:

- Việc mang điện thoại vào lớp học, trong qua trình học tập sẽ gây rất nhiều khó khăn cho giáo viên, đôi khi tạo tâm lý khó chịu cho giáo viên và lớp học. Giáo viên vừa diễn đạt, giảng bài cho học sinh nên khó có thể quản lý điện thoại của học sinh.Việc này dễ dẫn đến hệ lụy giáo viên cứ giảng bài, còn một bộ phận học sinh cứ sử dụng điện thoại, không tập trung vào bài giảng, mất kiến thức ảnh hưởng đến kết quả học tập.Chưa kể việc học sinh lén quay phim, chụp ảnh giáo viên và học sinh trong giờ học, đăng lên các trang mạng xã hội làm ảnh hưởng đến tình hình học tập của lớp học, của giáo viên, nhà trường.Đồng thời, trong quá trình làm bài kiểm tra, học sinh có thể dùng điện thoại để truy cập các trang web giải bài tập, tạo cho học sinh tâm lý lười học, ỷ lại.

- Hiện nay, không ít học sinh (kể cả người lớn) chỉ sử dụng google để tra cứu thông tin mà không đầu tư vào việc tìm hiểu thông qua sách, báo, thư viện hoặc trao đổi qua lại. Chính vì điều này làm ảnh hưởng và hạn chế việc tìm hiểu, nghiên cứu đọc sách và giao tiếp của học sinh. Thực trạng hiện nay, trong các giờ giải lao hoặc hoạt động xã hội của lớp, có một bộ phận không nhỏ học sinh chỉ mở điện thoại, tương tác trong điện thoại chứ không có hoạt động giao tiếp với bạn bè, thầy cô. Không chỉ tại trường học, khi đã tạo thành thói quen thì ngay cả ở nhà và ngoài xã hội, vô tình tạo ra tình trạng con cái ít giao tiếp, cởi mở, tâm sự với cha mẹ; bạn bè ngồi lại mỗi người một điện thoại, không giao tiếp hoặc trao đổi; dần dần giữa bạn bè, cha mẹ với con cái có những khoảng cách nhất định mà ngay cả bản thân phụ huynh cũng ít khi nhận ra.

- Nhận thức của các em về các vấn đề của xã hội chưa sâu sắc, chưa phân biệt đúng sai, chỉ làm theo trào lưu…đôi lúc sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, ví dụ: việc bạn bè đánh nhau các em không can ngăn hoặc báo cáo với thầy cô mà dùng điện thoại để quay phim, chụp ảnh tung lên mạng xã hội, các em chưa nhận thức được hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, đến khi bị cơ quan chức năng xử lý thì mọi việc đã rồi; hoặc việc quay lén quá trình giảng dạy của thầy cô để đăng lên mạng, kèm theo những chỉnh sửa, dán ghép không đúng thực tế làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của giáo viên…Đồng thời, các đối tượng phản động thường lợi dụng các mạng xã hội để đưa tin đồn thất thiệt về các vấn đề của xã hội, trong khi đó nhận thức của các em chưa đầy đủ, dễ dẫn đến bị lợi dụng để tuyên truyền cho bọn chúng, hậu quả là các em là những người vi phạm pháp luật. Ngoài ra, những clip hay những thông tin đăng tải tràn lan trên các mạng xã hội Facebook, Tik Tok, Zalo còn chứa nhiều thông tin xấu độc, dễ ảnh hưởng đến tâm lý của các em.

- Việc sử dụng điện thoại trong học sinh không hẳn là không tốt, mà cũng có một số lợi ích nhất định: như việc trao đổi thông tin lịch họcgiữa nhà trường với học sinh,công việc chung trong các lớp họcthông qua các nhóm lớp được thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi như lịch học, lịch tập trung, công việc chung của lớp; kênh liên lạc, quản lý học sinh giữa giáo viên-phụ huynh-học sinh, các em được trang bị thêm nhiều thông tin bổ ích, về mọi mặt của cuộc sống…

Tóm lại, học sinh sử dụng điện thoại trong quá trình học tập không vì mục đích học tập chính đángtheo qui định của ngành giáo dục xem như là hành vi không được phép.Còn việc nên hay không nên trang bị cho con em mình thì tùy điều kiện gia đình, tuy nhiên vấn đề quan trọng là cần phải có cơ chế quản lý hợp lý để các em được sử dụng điện thoại một cách có hiệu quả nhất.

                                                                            

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét