Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

 


Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo đức, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học mà đối tượng gánh chịu chủ yếu là các học sinh và sinh viên.

Bạo lực học đường đang là một vấn nạn xã hội trong môi trường học đường mà ở mọi quốc gia trên thể giới đang đặt nhiều sự quan tâm và đang lên án bởi những hậu quả nghiêm trọng và đau xót mà nó mang lại,  nó tác động ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như tinh thần và nặng hơn là tính mạng của trẻ đang trong độ tuổi hoàn thiện bản thân. Theo báo cáo của cơ quan phòng, chống tội phạm Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4-6 triệu học sinh có liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường.

Tại Việt Nam, bạo lực học đường hiện nay đang là một vấn nạn trong nhà trường. Nghiêm trọng hơn tình trạng này ngày càng phổ biến với mức độ nghiêm trọng ngày càng cao. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Một số thống kê cho thấy khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em học sinh bị thôi học vì đánh nhau.

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã xuất hiện một số clip đăng tải trên mạng xã hội về việc các nhóm nữ sinh đánh nhau vừa xảy ra trên địa bàn huyện Phú Hòa và thị xã Đông Hòa với những hành động bạo lực dã man, những lời văng tục, chửi thề, cởi quần áo, lại còn dùng điện thoại quay lại clip tung lên facebook, khiến dư luận bất bình.

Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo về sự bất lực của nhà trường, gia đình và xã hội. Khi xem clip này nhiều người không khỏi xót xa, phẫn nộ trước tình trạng bạo lực học đường đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của học sinh, tạo lâm lý bất an cho học sinh, phụ huynh và cả xã hội.

Từ tình hình trên có thể rút ra 03 nguyên nhân chính:

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng này có thể là do sự chuyển biến tâm lý của bản thân học sinh đối tượng từ 12-17 tuổi, đây là lứa tuổi tâm sinh lý có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự chứng tỏ bản thân, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, có những lúc không kiểm soát được hành vi bản thân. Trong giai đoạn này, chỉ cần có sự tác động, kích thích xấu từ bên ngoài cũng khiến các em học theo, do sự phát triển chưa toàn diện, thiếu khả năng ứng xử, sự non nớt trong kỹ năng sống,… sẽ dẫn đến nhận thức và hành động sai lầm.

Nguyên nhân thứ 2 là từ môi trường gia đình và xã hội. Môi trường đầu tiên mỗi đứa trẻ được tiếp xúc chính là gia đình, đây là những người có ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống của các em. Hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình diễn ra ngày càng nhiều cũng một phần tạo cho các em hình thành tính cách có phần hung hăng. Có lẽ do cuộc sống hằng ngày bị cuốn vào guồng quay, không ít gia đình mải tập trung làm ăn, dường như ít gần gũi và quan tâm con cái, từ đó tạo ra khoảng cách và cha mẹ rất khó để chia sẻ, hỗ trợ kịp thời cho con khi gặp vấn đề trong học tập và cuộc sống. Ngoài ra, việc tiếp xúc với văn hóa như phim ảnh, sách báo, đặc biệt là game, mạng xã hội mang tính bạo lực cũng gây ra những tác động tiêu cực, thúc đẩy sự gia tăng tính hung hăng ở trẻ. Môi trường xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng bạo lực học đường. Đa số những vụ việc bạo lực học đường thường xảy ra với những thanh thiếu niên sống trong cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, nhiều đối tượng nghỉ học sớm, chơi bời, nơi có nhiều tệ nạn xã hội,… Điều đó dần dần làm ảnh hưởng đến môi trường học đường và học sinh.

Nguyên nhân thứ 3 và từ nhà trường. Các trường học còn nặng nề việc truyền thụ kiến thức, chạy đua thành tích, đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người. Một số vụ việc học sinh đánh nhau ngay tại lớp học nhưng nhà trường không hay biết, chỉ đến khi trên mạng xuất hiện clip mới quay lại xác minh, xử lý. Sự vô tâm của xã hội nói chung, giáo viên nói riêng càng khiến tình trạng bạo lực học đường ngày càng nhiều hơn.

Từ những nguyên nhân trên, để hạn chế được bạo lực học đường, trong nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, vui vẻ, tích cực để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc. Đối với giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải có sự gần gũi để hiểu tính cách của từng em học sinh cũng như các mối quan hệ trong lớp, ngoài lớp để kịp thời phát hiện, uốn nắn, hỗ trợ các em giải quyết mâu thuẩn khi mới phát sinh, tránh nguy cơ xảy ra các vụ bạo lực học đường không đáng có.

Bên cạnh đó, các em cần được trang bị thêm nhiều bài vở về kỹ năng sống. Thông qua sách vở trong chương trình hay các buổi ngoại khóa để giúp học sinh hình thành những đức tính tốt, có thái độ nhân văn khi ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình và những người xung quanh, khơi gợi tinh thần nhân ái, biết sẻ chia, bao dung, biết sống vì cộng đồng; giúp các em rèn luyện bản thân, biết kìm chế các cơn nóng giận và giải tỏa nó.

Hơn thế nữa, mỗi gia đình, mỗi phụ huynh cũng cần có thời gian nhiều hơn nữa để vui chơi, trò chuyện cùng các em. Gia đình và nhà trường cũng cần thường xuyên trao đổi, phối hợp để có tiếng nói chung trong việc cùng xử lý vấn đề phát sinh một cách khéo léo, không để sự việc đi quá xa, ngoài tầm kiểm soát.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần thắt chặt kiểm soát những nội dung, thông tin đăng tải trên internet, những phim ảnh và trò chơi lưu hành ngoài thị trường, những hội nhóm được thành lập với mục đích lôi kéo giới trẻ. Chính quyền địa phương cần chủ động làm trong sạch môi trường xã hội xung quanh các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng như phối hợp với nhà trường và gia đình quản lý và giáo dục học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh đặc biêt.

Hãy bảo vệ con em mình khỏi bạo lực học đường! Phản đối bạo lực học đường!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét