Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

CẢNH BÁO TÌNH TRẠNG TIN GIẢ ĐỪNG ĐỂ TRỞ THÀNH NẠN NHÂN CỦA TIN GIẢ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

 


          Thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội diễn ra rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng như: Nhiều tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, cơ quan chức năng, người nổi tiếng; lợi dụng các sự kiện nóng, các vấn đề thu hút dự luận quan tâm, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại; thông qua các sàn giao dịch trên mạng; thủ đoạn cho vay tiền qua App (vay tiền online); lợi dụng tình hình dịch, bệnh… để tạo dựng thông tin giả, tin sai sự thật đánh lừa dự luận để tán phát trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội để lừa đảo.

          Tin giả như một loại virus độc hại, nó xâm nhập gây nhiễu dự luận, thậm chí làm khủng hoảng niềm tin; trong thời đại công nghệ 4.0, thì phương thức truyền tin, nhất là mạng xã hội phát triển nhanh, sâu rộng thì tin giả càng thêm đất sống. Các thế lực xấu, thù địch triệt để lợi dụng điều này, để xuyên tạc, kích động, chống phá hòng gây mất ổn định về chính trị,kinh tế, xã hội, tạo cớ chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân;   hoặc gây ra những hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng động và văn hóa dân tộc cũng như thái độ, suy nghĩ, hành động của người dân. Một trong những hệ quả mà các tin tức giả gây ra là làm suy giảm niềm tin của công chúng vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, báo chí, truyền thông, khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận. Thực tiễn cho thấy, sai lệch niềm tin do tiếp cận tin giả cũng giống như dịch bệnh lây lan, khi chia sẻ tin giả cũng đồng nghĩa với lan truyền niềm tin độc hại.

          Thực tế, tin giả không chỉ gây tâm lý hiếu kỳ, tò mò của độc giả mà nó còn làm suy yếu các phương tiện truyền thông; nó không chỉ hướng lái sai lệch người đọc, người xem mà nhiều khi còn đánh lừa cả một số phóng viên, khiến báo chí cũng trở thành nạn nhân, vô tình tiếp tay cho kẻ xấu. Do vậy, để bảo đảm kịp thời, hiệu quả trong nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh với nạn tin giả, giảm thiểu tác động xã hội của nó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, liên thông của các cơ quan chức năng và của quần chúng nhân dân. Và sau đây là một số trong những cách để nhận biết về thông tin sai sự thật như:

          - Một là, kiểm tra, xem xét nguồn tin: Người dân có nhiều kênh để tiếp nhận thông tin như: truyền hình, truyền thanh, báo chí, báo mạng, trang thông tin điện tử… và nguồn tin đến từ mạng xã hội, các hội nhóm, các thông tin truyền miệng. Nhưng để nhận được thông tin chính xác, chúng ta cần phải theo dõi tin tức từ truyền hình, truyền thanh, báo chí, nhất là các nguồn tin có uy tín, tin cậy của cơ quan chức năng.

          - Hai là, kiểm chứng nguồn tin: Trong hàng trăm, hàng nghìn tin tiếp nhận mỗi ngày, có tin chính xác, có tin không chính xác. Do vậy, khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, chúng ta cần kiểm chứng xem thông tin chính xác không bằng cách đọc, tìm hiểu nguồn tin, những thông tin bài viết có nêu rõ tên cá nhân, tổ chức, địa phương, thời gian… hay không? Với những tin chung chung, không rõ tên nhân vật, địa danh cụ thể thì cần kiểm chúng lại.

          - Ba là, kiểm tra lại thông tin, hình ảnh minh họa: Tin giả không chỉ về chữ viết, mà còn có hình ảnh minh họa kèm theo. Người dùng mạng xã hội luôn nghỉ hình ảnh, nhất là video là minh chứng rõ ràng nhất và tin ngay những thông tin trong hình ảnh đó. Nhưng thực sự hình ảnh có thể làm giả, bị cắt ghép, chỉnh sửa theo dụng ý của người đăng tải thông tin. Hình ảnh đăng tải bài viết đa phần là hình ảnh trên mạng xã hội hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung của nguồn tin cho nên cần kiểm tra xem ảnh đó có tồn tại trên không gian mạng hay không thông qua tính năng “Search Google  for image”.

          Do vậy, cần tỉnh táo trước mỗi thông tin, hình ảnh, video…, kiểm tra kỹ nguồn tin, ai phát ra, liệu có tin cậy không? Phải cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng, nhất là thông tin chia sẻ bởi mạng xã hội, không rõ chủ thể. Đặc biệt, không chia sẻ thông tin từ trang mạng của những cá nhân, tổ chức thường xuyên có những nội dung tiêu cực, sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước và cộng đồng. Tránh việc ấn “thích” hay “chia sẻ”, “bình luận” tạo hiệu ứng tuyên truyền tin giả, độc hại.

 

 

         

 

CẢNH GIÁC VỚI HÌNH THỨC CHỮA BỆNH BẰNG “MÊ TÍN DỊ ĐOAN”

 

Thời gian qua, xuất hiện một số hoạt động chữa bệnh bằng các hình thức mê tín dị đoan như bùa phép, ngải... Một số người đã tin theo và nghĩ đó là phương pháp chữa bệnh hiệu quả, không đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh làm bệnh tình ngày càng nặng thêm, khi tỉnh ngộ đã “vô phương cứu chữa” gây ảnh hưởng về kinh tế gia đình, làm tổn hại đến sức khỏe.

Mê tín dị đoan là sự tin tưởng một cách mê muội vào những điều hoang tưởng, dị thường, không hợp với tự nhiên, không có cơ sở khoa học, cần loại trừ khỏi cuộc sống. Gốc rễ của mê tín dị đoan là sự thiếu kiểm soát của con người trong khi họ luôn muốn được kiểm soát tốt hơn trong hoàn cảnh bị coi là bất an. Khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không chắc chắn, không giải thích được, mê tín dị đoan sẽ được dùng để lấp vào khoảng trống sợ hãi, và làm con người cảm thấy an tâm hơn.

Mê tín dị đoan thể hiện rất đa dạng, như: xem tướng số, bói toán; chữa bệnh bằng mẹo hay những kiêng cữ phản khoa học... Bên cạnh hành vi mê tín dị đoan ra đời trước đây, lại có hành vi mới xuất hiện và được coi là biến thể phù hợp với thời đại như xem bói qua internet, bói qua livestream.

Ngoài ra, một số người dân thiếu hiểu biết bị một số đối tượng dụ dỗ tham gia tập luyện Pháp Luân công, dẫn đến việc cuồng tín vào việc tập luyện bộ môn này là có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh tật của bản thân.

Lợi dụng vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sự cuồng tín tin theo các hoạt động chữa bệnh mê tín dị đoan, sự chỉ dẫn mù quáng, dụ dỗ của một số đối tượng nên nhiều người dân đã tin theo và bỏ mặc sức khỏe, tốn kém tiền bạc, bệnh không khỏi đoán “tiền mất tật mang”.

Do đó, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động mê tín, dị đoan, không để bị thiệt hại cho sức khỏe bản thân, mỗi cá nhân cần nhận thức đúng đắn các vấn đề sau:

- Nhận thức và hiểu rõ bản chất của thể dục dưỡng sinh và chữa bệnh bằng mê tín dị đoan là khác nhau. Thể dục dưỡng sinh là biện pháp để rèn luyện sức khỏe. Chữa bệnh bằng mê tín dị đoan là vi phạm quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục.

- Mỗi cá nhân phải hiểu được tầm quan trọng sức khỏe đối với bản thân, không được nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng chuyên hành nghề mê tín dị đoan, theo các phương hướng điều trị bệnh không có cơ sở khoa học. Đồng thời, lên án tố cáo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền về những hành vi lôi kéo, tuyên truyền tham gia các hoạt động chữa bệnh bằng hình thức mê tín dị đoan ở địa phương.

- Tuyên truyền người thân trong gia đình không tham gia hành nghề, không giúp sức cho các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan, giúp người thân hiểu rõ phương pháp điều trị bệnh bằng hình thức mê tín dị đoan là không có cơ sở khoa học, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG CHẤT MA TÚY MỚI

 

 Ma túy là tên gọi chung chỉ những chất kích thích khi dùng một lần có thể gây nghiện. Ma túy có thể có nguồn gốc khác nhau nhưng đều có một đặc điểm chung là khi đưa vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái nhận thức và sinh lý của con người. Ma túy đã trở thành một hiểm họa lớn đối với toàn xã hội, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của mỗi con người, cộng đồng xã hội.

Ma túy luôn tiềm ẩn xung quanh chúng ta, luôn rình rập xâm nhập, len lỏi vào những đối tượng thanh thiếu niên, học sinh thiếu am hiểu về pháp luật, thiếu kiến thức tự bảo vệ, có thói đua đòi, ăn chơi chạy theo cuộc sống xa hoa, thích sự hưng phấn, hưởng thụ, dần dần tự làm hủy hoại sức khỏe dẫn đến mất khả năng lao động, suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Đặc biệt ma túy còn là nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn đến tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS - căn bệnh mà hiện nay chưa có thuốc chữa.

Trong những năm gần đây, tội phạm ma túy tiếp tục đưa ra thị trường nhiều loại ma túy mới chưa có trong danh mục quản lý nhằm gây khó khăn cho các cơ quan chức năng. Trong đó, đáng chú ý là chất ma túy mới ADB-4en-PINACA, được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, chất này có tác dụng gây ảo giác tương tự như cần sa ma túy và rất khó phát hiện bằng các phương pháp thông thường khi giám định. Các đối tượng đã dùng thủ đoạn hòa tan chất ADB-4en-PINACA thành dung dịch và phun tẩm vào mẫu cỏ khô, cắt nhỏ, sợi thuốc lá điếu, thuốc lào hoặc pha trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử khi sử dụng để gây ảo giác tương tự như cần sa ma túy.

Vùi mình vào thứ ảo giác sinh ra từ ma túy, giới trẻ không ngờ rằng chính mình đang trở thành mầm mống cho các loại tội phạm nguy hiểm trong xã hội. Để có một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn các bạn trẻ hãy tỉnh táo, cảnh giác trước bất cứ loại sản phẩm gây nghiện, gây ảo giác, kích thích thần kinh mạnh. Tuổi trẻ cần chú tâm vào học tập, rèn luyện, tham gia công tác xã hội cũng như các hoạt động thể thao, những thú vui lành mạnh và cùng nhau thực hiện thông điệp “Bài trừ ma túy - bảo vệ tương lai”.

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

NHẬN DIỆN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

 

Không gian mạng là mạng lưới kết nối toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm Internet, hệ thống máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, là môi trường đặc biệt mà con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, tiếp cận với lượng thông tin khổng lồ, được cập nhật thường xuyên với tốc độ rất nhanh, nội dung phong phú, đa dạng... dễ tạo hiệu ứng xã hội theo chiều rộng nên rất khó quản lý, giám sát và kiểm duyệt. Đây là một trong những thế mạnh của không gian mạng được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm thực hiện chiến lược diễn biến hoà bình, triển khai các hoạt động chống phá nước ta.

Các thế lực thù địch đã lợi dụng hàng trăm kênh tuyên truyền trên Internet, hàng ngàn trang Wed và mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chúng xuyên tạc, bóp méo thực tế những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong dân tộc, tôn giáo ở trong nước nhằm vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo tạo cớ để bên ngoài can thiệp, đồng thời kích động, lôi kéo nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, chúng còn lợi dụng công nghệ để cắt dán, trích dẫn sai lệch các hình ảnh, tư liệu nhằm làm cho các tầng lớp nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu không đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.

Thông qua không gian mạng, các thế lực thù địch kích động vào sự hiếu kì, tò mò của của cộng đồng mạng bằng cách đưa ra những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ, khi mà báo chí chính thống trong nước chưa kịp thời đưa tin. Lợi dụng điều này, chúng thể hiện những chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội với những tiêu đề giật gân, nhằm tăng lượt xem, lượt bình luận về những vấn đề xã hội quan tâm như vấn đề về liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực với những thông tin thật giả lẫn lộn, đánh trực diện vào sự hiếu kỳ, tò mò của cộng đồng mạng, làm cho họ muốn truy cập vào các trang Facebook, Blog và trang báo điện tử phản động, gây tâm lý hoang mang, nửa tin, nửa ngờ.

Do đó, người dùng mạng xã hội nếu không được trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để tự xây dựng ý thức đề kháng, sẽ rất dễ rơi vào bẫy tin giã. Mọi hành vi cổ xúy cho các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước sẽ được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy là những người sử dụng mạng Internet, mạng xã hội thông thái, không được mơ hồ, mất cảnh giác mà phải nhận thức rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng xấu; tỉnh táo trước những thông tin sai trái, bịa đặt để kịp thời phát hiện và loại bỏ, không tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền thông tin trên không gian mạng, kiên quyết không nghe theo kẻ xấu lôi kéo, kích động xúi giục thực hiện những hành vi chống phá, mất an ninh trật tự.

 

 

 

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

CẦN QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ NGHIÊM VỚI CÁC HỘI NHÓM “YÊU ĐỒ LÍNH VNCH”

 

Ở Việt Nam, quyền tự do của công dân trong mọi lĩnh vực đều được Nhà nước và cộng đồng tôn trọng trên cơ sở quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc sử dụng trang phục lính VNCH và trang phục quân đội các nước là một việc làm phản cảm và vi phạm pháp luật. Đã xuất hiện nhiều người, nhiều hội nhóm thường xuyên mặc đồ lính của chế độ VNCH tới nơi công cộng. Các biểu hiện này rất đáng lo ngại, cần có sự cảnh giác và xử lý nghiêm để bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Ngày 11/3/2023, sự việc đoàn xe Jeep, cắm cờ Mỹ với những lái xe mặc quần áo rằn ri chở dàn người đẹp ở Lễ hội áo dài Hoa Cúc tại biển Cửa Lò, Nghệ An đã gây xôn xao dư luận. Thậm chí có người diện bộ quân phục thêu hình con diều hâu trên tay áo, đội mũ nồi đỏ của sư đoàn lính dù Mỹ.

Tại Đồng Nai, một quán cà phê cho nhân viên phục vụ mặc phục vụ là lính Mỹ, VNCH, dùng hình ảnh ấp chiến lược, lô cốt, xe tăng M113… để trang trí. Ngay ngày đầu tiên mở bán, đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Ở Đắk Nông, một đôi vợ chồng khiến mọi người chú ý vì mặc đồ lính VNCH đến dự tiệc liên hoan mừng nhà mới của một người dân ở thành phố Gia Nghĩa. Đôi vợ chồng này còn lên sân khấu hát những bài hát có nội dung phản cảm. Sự kệch cỡm, lố bịch của đôi vợ chồng khiến nhiều người dự tiệc cảm thấy rất khó chịu.

Ngày 17/4/2023, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) kiểm tra shop quần áo trên địa bàn, tạm giữ gần 500 sản phẩm có kiểu dáng, tem nhãn quân phục của nước ngoài không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Chủ cửa hàng là thành viên của hơn 100 hội, nhóm “Yêu đồ lính” từ Bắc vào Nam và cũng là người trực tiếp tạo lập một số nhóm để giao lưu, mua bán thời trang kiểu lính.

Trên các mạng xã hội gần đây lan truyền nhiều video các ca khúc có nội dung phản động. Minh họa hình ảnh là hàng chục người mặc quần áo rằn ri của lính Mỹ trước 1975, diễn cảnh chiến đấu với quân đội Nhân dân Việt Nam. Địa điểm quay clip được chú thích là trong các cánh rừng ở Khe Sanh (Quảng Trị), Cao Phong (Hòa Bình), Đình Lập (Lạng Sơn) có nội dung đầy kích động.

Trên mạng xã hội facebook, hiện nay xuất hiện nhiều hội nhóm (group), fanpage như: “Anh em yêu đồ lính Thủ đô”, “Đồ lính Mỹ”, “Chơi đồ lính xứ Lạng”, “Phong cách lính miền Trung” “Yêu đồ lính Thành Nam”…, mỗi nhóm có số lượng hàng trăm, hàng nghìn thành viên. Các đối tượng tạo lập, tham gia vào các hội nhóm này để mua bán trang phục lính, tán phát các bài hát, video có nội dung phản động, ca ngợi chế độ cũ…vv.

Không khó để nhận ra các thành viên nhiều diễn đàn kiểu này thường chia sẻ với nhau quan điểm lệch lạc về đất nước. Họ cố tình làm mọi cách để gửi đi thông điệp chê bai trang phục quân đội Nhân dân Việt Nam. Và ngược lại, tất cả những gì thuộc về nước Mỹ mới là ưu việt, là “ngầu”, là đáng ngưỡng mộ. Đây thực sự là biến tướng đáng quan ngại vì đã ngầm cổ suý, kích động hận thù, gieo lại nỗi đau chiến tranh, ngầm tôn vinh bè lũ bán nước và đám tàn quân lưu vong.

Rất nhiều người dân, đặc biệt là các cựu chiến binh tỏ ra rất bức xúc trước sở thích kì dị và sự lố lăng, kém hiểu biết của những người không có tự trọng, đi mặc trang phục lính VNCH và của các nước. Thiết nghĩ, cần có chế tài pháp lý và sự vào cuộc có trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm việc mang mặc trang phục lính không đúng quy định, không để cho những chiêu trò ấu trĩ và lố bịch như trên tiếp diễn.

- LÃO VÕ -

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

HÃY LÀ MỘT CƯ DÂN MẠNG LÀNH MẠNH, VĂN MINH

 

Hiện nay, không gian mạng luôn rộng mở, mọi người đều có thể truy cập trên các nền tảng mạng xã hội, không ít người xem đây là một phần thiết yếu của cuộc sống như là cơm ăn, nước uống hằng ngày và được xem là “cư dân mạng”. Xung quanh cuộc sống các cư dân mạng là những thông tin được đăng tải, chia sẻ, lan truyền đa chiều và luôn có hai mặt tốt - xấu, tích cực - tiêu cực tồn tại song song.

Tuy nhiên, thói quen của cư dân mạng, nhất là các cư dân trẻ là hay tìm những thông tin đăng tải mang tính tò mò, hiếu kỳ, giật gân, thậm chí là những nội dung giải trí thiếu tính giáo dục, bày vẽ những thói hư tật xấu.

 

Thời gian qua, nổi lên một số cá nhân đăng tải các bài viết câu like, câu view ngụy tạo thực - hư, thật - giả lẫn lộn hoặc tạo các video đăng trên các nền tảng Facebook, Youtube, Tiktok…có nội dung xấu, độc hại, khiến cho các cư dân mạng bị “dắt mũi”, rơi vào tâm trạng dao động, làm nhiễu loạn nhận thức và hành vi do tiếp cận quá nhiều. Mặt trái các bài viết, video này là thu hút được rất nhiều người tham gia tương tác, thậm chí một số bạn trẻ tin theo, làm theo và còn xem đây là thần tượng. Đáng nói hơn chỉ cần một cái sai, xấu, độc được tạo ra, trong vòng vài giây với tốc độ lan tỏa cực nhanh trên mạng xã hội thì trở thành hàng nghìn, thậm chí hàng vạn cái sai, xấu, độc được truyền rộng rãi.

️Trong cuộc sống xã hội thật, những hành vi vi phạm pháp luật không thể tồn tại và trước sau gì cũng phải bị xử lý và trong mạng xã hội cũng vậy, những cá nhân đăng tải, chia sẻ, tán phát thông tin sai sự thật, xấu, độc tồn tại không lâu, sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính và thậm chí là hình sự nếu có các dấu hiệu vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.

 

 Vậy nên, đã là cư dân mạng thì đừng nghĩ mạng xã hội là ảo, mà ngược lại hoàn toàn thật, mọi hành xử cá nhân trên đây đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Bên cạnh đó, để tạo không gian văn minh, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý, hơn ai hết mỗi cư dân mạng phải tự ý thức, tự bảo vệ trước những thói hư tật xấu và thường xuyên tham gia lan tỏa những điều tốt, điều đẹp, giá trị nhân văn, tích cực phản bác, đấu tranh thông tin sai trái, xấu, độc và thật sự thận trọng, chuẩn mực khi ứng xử, tương tác trên mạng xã hội./.

 

 A.T Ảnh st

LỜI CẢNH TỈNH CHO NHỮNG KẺ CÒN CÓ Ý ĐỊNH LỢI DỤNG QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN XÚC PHẠM TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

 

 Thời gian qua, một số đối tượng cơ hội chính trị trong nước thường xuyên móc nối với các tổ chức phản động, chống phá ở nước ngoài để tìm kiếm sự can thiệp, tạo áp lực nhằm mục đích đòi xóa bỏ một số điều luật, trong đó có Ðiều 331 Bộ luật Hình sự về "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Vì vậy, phản bác những luận điệu xuyên tạc hệ thống pháp luật Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, bảo vệ ổn định chính trị-xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, văn minh.

 

Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có không ít việc một số đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận lên mạng xúc phạm các tổ chức, cá nhân gây phức tạp đến ANTT, ANCT như Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phương Hằng, LS Đỗ Anh Quân, Nguyễn Lân Thắng….Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, nổi lên một số đối tượng như Võ An Đôn, Đào Bá Cường, Nay Y Blang (Ma Tương)…

 

➡️Pháp luật luôn tôn trọng và bảo vệ những tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của mỗi tổ chức và cá nhân khi đưa lên công khai trên phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội nếu phù hợp với tinh thần xây dựng và thượng tôn pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc.

➡️Ðồng thời, nếu những tổ chức và cá nhân sử dụng mạng xã hội với mục đích xấu, động cơ không trong sáng, núp dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự do dân chủ mà thực chất là có những hành vi chà đạp lên quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước thì đều phải chịu các chế tài xử phạt tương ứng. Và các đối tượng trên không phải là ngoại lệ, đều đã được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và được dư luận, quần chúng Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao sự vào cuộc kiên quyết, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi vi phạm pháp luật, răn đe, trừng phạt thích đáng đối với những đối tượng có hành vi vi phạm.

 

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do dân chủ của mọi công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền về hình ảnh của công dân. Pháp luật cho phép mọi công dân đều có quyền bày tỏ quan điểm, thái độ của mình về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận của chủ thể này sẽ bị giới hạn bởi quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ khác của chủ thể khác.

Đây là bài học cho những ai có biểu hiện coi thường pháp luật hay những kẻ thích nổi tiếng trên mạng xã hội bằng cách lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

LD

 

VẤN NẠN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TIẾP TỤC CÓ CHIỀU HƯỚNG XẤU

 

Bạo lực học đường tiếp tục là một trong những vấn nạn đáng báo động không chỉ riêng của mỗi gia đình, nhà trường mà là của toàn xã hội bởi những hậu quả mà nó mang lại đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như tinh thần và nặng hơn là tính mạng của trẻ đang trong độ tuổi hoàn thiện bản thân. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên mà thậm chí các em nhỏ ở cấp tiểu học cũng có thể thực hiện hành vi bạo lực học đường hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Một cái đấm, một cái tát, một cú đá hay những lời chửi rủa, tất cả đều là những hành vi bạo lực có thể gây ra hậu quả nặng nề về cả thể chất và tâm lý của nạn nhân, thậm chí ảnh hưởng đến nhân cách của những người bạo hành và bị bạo hành.

 

Điển hình như: Trong tháng 12/2022, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip dài hơn 02 phút ghi lại hình ảnh một thiếu nữ đánh dã man bạn nữ ngay trước cổng trường THCS Phùng Giáo (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) trước sự thờ ơ vô cảm của nhiều người xung quanh. Và mới đây nhất dư luận xôn xao trước vụ việc nữ sinh N.T.Y.N học sinh lớp 10A15 trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường.

️Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, trong đó xuất phát từ nguyên nhân đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Khi các em nhận thức chưa đầy đủ về hành vi của mình, thiếu kỹ năng sống, dễ bị kích động, lôi kéo, thậm chí gây nên những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó, gia đình là yếu tố tác động rất lớn đến đứa trẻ nếu đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ nghiện ngập hay phạm pháp, thường xuyên sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề mâu thuẫn, xung đột... thì rất dễ hình thành tâm lý bạo lực trong trẻ.

 

Đôi khi, những đứa trẻ thực hiện hành vi bạo lực học đường với bạn không hiểu rõ hậu quả tai hại do mình gây ra. Cha mẹ cần giúp con hiểu và cam kết không tham gia vào việc bắt nạt chỉ để a dua theo nhóm bạn. Đặc biệt, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hành vi bạo lực học đường tới các em học sinh, cần có kế hoạch giám sát, bảo vệ trẻ cho đến khi nguy cơ bạo lực hoàn toàn biến mất. Trẻ phải được trang bị kỹ năng sống và rèn luyện bản lĩnh để đối mặt và vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc đời.

 

Gia Cát

XỬ LÝ NGHIÊM NHỮNG ĐỐI TƯỢNG LỢI DỤNG CÁC CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TRONG TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN ĐỂ CHỐNG ĐỐI CỰC ĐOAN

 

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thành phố Tuy Hoà và phường Phú Đông đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các mặt công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án hạ tầng khu đô thị mới Nam Tuy Hoà - Vũng Rô, trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng; đồng thời, bàn giao đất cho Nhà nước triển khai thực hiện các Dự án. Mặc dù, Chính quyền địa phương đã thường xuyên vận động, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của các dự án đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hướng dẫn, giải thích các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến các nội dung kiến nghị của các hộ dân; đồng thời vận động họ nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng thuận để các dự án sớm triển khai đi vào hoạt động nhưng các hộ dân vẫn “ngoan cố” không chấp hành, thậm chí có hành vi chống đối tiêu cực.

 

Vì vậy, UBND thành phố Tuy Hoà sẽ xử lý nghiêm các vi phạm các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản trên đất nhằm mục đích trục lợi khi Nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, tiến hành phương án thực hiện nghiêm việc cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ đối với các hộ dân chống đối và những kẻ kích động chống đối để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

 

Thành phố Tuy Hoà đang và sẽ có nhiều công trình, dự án trọng điểm tiếp tục được triển khai, vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giải phóng mặt bằng để người dân hiểu và thực hiện đúng theo quy định pháp luật, tin tưởng vào việc triển khai các dự án trên địa bàn sẽ mang lại thuận lợi, tạo đà phát triển đột phá, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân hơn nữa.

 

LD

 

TRÀO LƯU CHỤP ẢNH KỶ YẾU NGÀY CÀNG “LỐ LĂNG” MẤT TÍNH HỒN NHIÊN, TRONG SÁNG CỦA HỌC SINH

 

Chụp ảnh kỷ yếu năm cuối cấp luôn là những kỷ niệm đẹp đối với mỗi học sinh chúng ta. Với mục đích lưu giữ kỷ niệm đẹp bên bạn bè, thầy cô trước khi rời xa mái trường, chụp ảnh kỷ yếu được xem như một hoạt động ý nghĩa.

 

Thời gian gần đây, lướt qua những bộ ảnh kỷ yếu trên mạng xã hội mới thấy ý tưởng sáng tạo của giới trẻ bây giờ rất đa dạng. Thậm chí, để có một cuốn kỷ yếu “để đời”, nhiều lớp đã không quản ngại lên rừng, xuống biển, leo núi hay vừa đi phượt, vừa chụp ảnh… nhằm tạo nên sự khác lạ. Không chỉ vậy, nhiều nhóm bạn còn đầu tư hàng triệu đồng cho những thước phim hoành tráng, được dàn dựng công phu như một MV ca nhạc để lưu giữ hình ảnh tuổi thanh xuân.

 

️Thế nhưng, hiện nay có không ít người băn khoăn, liệu mục đích của việc chụp kỷ yếu có đang bị hiểu sai để rồi các bộ ảnh chẳng còn mang ý nghĩa ban đầu, vượt qua ranh giới sáng tạo và trở nên kệch cỡm, phản cảm. Phần lớn các bạn trẻ lấy lý do vì còn trẻ, mà trẻ thì phải nghịch ngợm, “chịu chơi”. Do vậy, nhiều học trò mong có được bộ ảnh đẹp, tạo nên thương hiệu cho lớp mình nên đã chạy theo phong trào, mang tâm lý hơn thua giữa lớp này với lớp khác, trường này với trường khác dẫn đến những “sáng tạo” không giống ai, những bộ ảnh phản cảm trái với thuần phong mỹ tục tràn lan trên mạng xã hội.

 

Chụp ảnh kỷ yếu để lưu lại những khoảnh khắc đẹp trước khi rời ghế nhà trường là việc làm mang ý nghĩa tốt đẹp. Chính trong những giây phút xúc động sắp chia xa sau nhiều năm gắn bó, không ít ảnh kỷ yếu của bạn trẻ đã gây ấn tượng mạnh tới nhiều người, gợi nhắc về tuổi thanh xuân trong trẻo, đẹp đẽ, tươi sáng...

 

Do đó, các bạn trẻ hãy suy nghĩ chín chắn trước khi lên ý tưởng chụp ảnh kỷ yếu, để không trở thành một “hiện tượng” không đụng hàng nhưng lại mang tính chất thô tục, kinh dị, phản cảm... để rồi phải hối hận và cầu mong mọi người đừng ném đá.

 

Đ.X.H

 

SỰ CẤP THIẾT CỦA VIỆC ĐỊNH DANH TÀI KHOẢN MẠNG XÃ HỘI

 

Vừa qua, việc định danh tài khoản mạng xã hội đã được đề xuất nêu trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Vì vậy, chủ tài khoản phải có thông tin về tên thật, số điện thoại được xác thực mới đủ điều kiện để đăng bài, bình luận hay livestream trên mạng xã hội.

Chị N (phường 2, TP Tuy Hoà)cho biết: Chị thường xuyên đăng tải các bài viết bán hàng trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo… và giao dịch qua các nền tảng này, nhiều lần chị gặp phải các đối tượng lừa đảo khi các đối tượng yêu cầu chị nhấn vào các đường link liên kết, chuyển khoản, hoặc làm theo các bước yêu cầu để được nhận tiền hàng, nhiều lúc chị cũng bị lừa mất tiền. “Điểm chung của các đối tượng này đều có các thông tin cá nhân không rõ ràng, không thể xác thực được thông tin hoặc đa phần đều là các tài khoản ảo”.

Hiện nay, để lập một tài khoản trên mạng xã hội chỉ cần cung cấp số điện thoại hoặc điạ chỉ email, chỉ khi nào có các tranh chấp hoặc bị báo cáo thì nền tảng mạng xã hội mới yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân. Thậm chí, cũng có nhiều công ty mở dịch vụ chuyên cung cấp các nick ảo để tăng tương tác cho các tài khoản mạng xã hội. Giá cho một nick ảo mới lập chỉ dao động từ vài nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, còn giá bán cho nick có nhiều bạn bè từ 50 đến 100 nghìn đồng.

➡️Theo các chuyên gia tâm lý, việc ẩn danh trên mạng xã hội thường tạo ra xu hướng khiến người ta hành xử ít trách nhiệm hơn, do đó mới có nhiều vụ việc về bắt nạt trên mạng, lừa đảo cũng được dẫn dắt từ xu hướng này. Việc ẩn danh thông tin cá nhân còn đẩy người ta đến hành vi, thái độ, hành xử vượt quá các giới hạn và chuẩn mực cho phép.

Do đó, việc định danh tài khoản mạng xã hội là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt khi nó đồng bộ với dữ liệu dân cư quốc gia thì tạo hành lang cho cơ quan chức năng quản lý, theo dõi, đồng thời góp phần điều chỉnh hành vi của người dùng mạng xã hội, phát ngôn trên mạng, có như thế mới giảm thiểu được các vụ việc nhức nhối, những hành vi phản văn hoá trên không gian mạng trong thời gian qua.

 

T.V.V

 

KINH DOANH TRÒ CHƠI XE ĐIỆN TẠI CÔNG VIÊN, QUẢNG TRƯỜNG: HIỆN HỮU NHIỀU NGUY CƠ MẤT AN TOÀN GIAO THÔNG, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

 

 Dạo một vòng Tp.Tuy Hoà chúng ta dễ dàng thấy tại các khu vực Công viên Hồ điều hòa Hồ Sơn, phường 5; Quảng trường ¼, phường 7; Công viên trước mặt Trường Đại học Phú Yên, phường 9, thành phố Tuy Hòa; từ 16h30’ đến 23h00’ hàng ngày, không khó để bắt gặp hình ảnh các em thiếu nhi được bố mẹ đưa đến vui chơi, dạo mát và chơi xe điện. Mặc dù đây là các khu vực cấm, thế nhưng hoạt động kinh doanh trò chơi xe điện tự phát vẫn diễn ra tràn lan, lộn xộn, mất trật tự và trò chơi tưởng chừng như vô hại này lại vô tình lấn chiếm nơi thư giãn, giải trí của người dân khi đến khu vực công cộng.

 

🆘Đáng báo động hơn, gần đây xe điện đồ chơi không chỉ là những chiếc xe đạp chân ga chạy “rề rề” hay điều khiển bằng “remote” được bố mẹ dẫn các em chơi. Mà nay xuất hiện ngày càng nhiều xe điện tự chế, chạy với tốc độ cao, điều khiển bằng tay ga, các em học sinh đam mê tốc độ được dịp thi nhau thể hiện “tài năng” phóng nhanh, vượt ẩu, bo cua, bẻ lái, gây mất an toàn cho người dân tại khu vực công cộng và gây nguy hiểm cho chính bản thân người điều khiển.

 

Bạn V.A phản ánh: đã từng sững người khi thấy một người đàn ông điều khiển loại xe điện độ chế này, chở theo một em bé phía trước, không đội mũ bảo hiểm chạy vượt qua mặt mình trên tuyến đường Hùng Vương đoạn trước mặt Công viên Thanh thiếu niên, phường 5, thành phố Tuy Hòa. Nhìn lại kim chỉ cây số giờ trên xe của mình, tốc độ ấy không dưới 50 km/h.

 

Mặc dù, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các hộ kinh doanh trò chơi xe điện ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về an ninh trật tự nơi công cộng, thế nhưng vì lợi ích cá nhân, thực trạng kinh doanh trò chơi xe điện không đúng nơi quy định vẫn thường xuyên tái diễn.

 

 🆘Trước cảnh báo về mối nguy hiểm của các xe độ chế và để công viên, quảng trường thật sự là nơi công cộng giúp người dân thư giãn, giải trí, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần phải xử lý mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa đối với các hộ dân kinh doanh trò chơi xe điện, xe độ chế; các bậc cha mẹ cần phải nghiêm khắc hơn nữa đối với con em của mình; đừng để công viên, quảng trường nơi trở thành “trường đua” của các em.

 

D.V

DU LỊCH ĐÊM - VẤN ĐỀ CÒN ĐANG NAN GIẢI???

 

Thời gian qua, trên mạng xã hội xôn xao về phát biểu của một chủ tịch tỉnh miền Tây cho rằng để kích cầu du lịch, lực lượng chức năng không nên giới hạn giờ giấc hoạt động vào ban đêm của người dân và du khách; CSGT không nên "canh bắt phạt" người từ quán nhậu...

VẬY DU LỊCH ĐÊM LÀ GÌ?

Chúng ta có thể hiểu là những dịch vụ du lịch và dịch vụ liên quan được cung ứng một cách hợp pháp trong thời gian từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, thúc đẩy du lịch theo hướng hài hòa, sáng tạo, bền vững góp phần tạo nên hình ảnh, thương hiệu, bản sắc riêng cho điểm đến. Tại Việt Nam, vài năm gần đây, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai các hoạt động, dịch vụ về đêm để thu hút khách, tiêu biểu là mô hình chợ đêm, phố đi bộ ở một số điểm đến du lịch lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Lạt… Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Trong đó, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Điều này khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ đối với phát triển các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch.

🆘TUY NHIÊN, DU LỊCH ĐÊM CÓ PHẢI LÀ CHỈ CẦN KHÔNG GIỚI HẠN GIỜ GIẤC BUÔN BÁN HOẶC LL CSGT “KHÔNG CANH BẮT PHẠT” NGƯỜI TỪ QUÁN NHẬU LÀ SẼ PHÁT TRIỂN, LÀ THU HÚT DU KHÁCH???

️Theo mình đó không phải vấn đề cốt lõi, muốn phát triển du lịch đêm cần có sự chuyển dịch, thay đổi trạng thái vận hành, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các tình huống phát sinh từ trạng thái hoạt động ban ngày sang ban đêm với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính quyền cơ sở và các ngành chức năng như công an, quản lý thị trường, thanh tra lao động, văn hóa, y tế…; trang bị đồng bộ hệ thống an ninh, camera giám sát cùng công cụ quản lý, báo cáo sự cố để nhanh chóng phát hiện, xử lý vi phạm; thành lập lực lượng phản ứng nhanh kết nối với mạng lưới thông tin chung của khu vực nhằm kiểm soát tổng thể, ứng phó khẩn cấp…

️Bên cạnh đó, trên góc độ của người tham gia giao thông thì sẽ khó có ai chấp nhận "xuê xoa" cho những tài xế sử dụng bia rượu. Đã có quá nhiều vụ tai nạn xảy ra vì rượu bia, và sự trả giá cho những lần chếnh choáng này là thiệt hại về người lẫn của, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Gần 16.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ (https://vnexpress.net/gan-16-000-lai-xe-vi-pham-nong-do-con-trong-5-ngay-nghi-le-4600735.html) thử hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này?? Những người ủng hộ đã nghĩ tới hậu quả này chưa hay chỉ sự ích kỉ của bản thân muốn nhậu “thả ga”?

️Đồng thời, sự phát triển của kinh tế ban đêm tiềm ẩn nguy cơ làm nảy sinh các vấn đề xung đột, bạo lực, làm gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, an ninh trật tự.

Vậy phải chăng, trách nhiệm và ý thức của người dân vẫn là căn cơ, theo đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tuân thủ pháp luật, chấp hành nghiêm những gì mà pháp luật cấm (mà hành vi lái xe ngay sau khi uống bia, rượu là một trong số đó). Nếu đã xác định đi nhậu, sử dụng đồ uống có cồn thì cần có phương án để di chuyển lúc về, có thể nhờ người khác tới chở hoặc đi taxi. Vì trên thực tế, rất ít người ý thức được tửu lượng và mức độ tỉnh táo của mình đến đâu cho đến khi xảy ra hậu quả. Bên cạnh đó, sự chủ động của các cơ sở kinh doanh là rất cần thiết; cần bố trí đội ngũ xe đưa đưa đón hoặc taxi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hang.

 

TrippleH

ĐỐT RƠM RẠ SÁT TUYẾN ĐƯỜNG QL1A: TIỀM ẨN NHIỀU NGUY CƠ VỀ MẤT AN TOÀN GIAO THÔNG

 

Những ngày qua, thời tiết tại tỉnh Phú Yên có thể nói là nắng nóng gay gắt, oi bức khiến người dân cảm thấy mệt mỏi, uể ỏi khi đi làm việc.

Vậy mà một số người dân còn bồi thêm “combo khói” từ việc đốt rơm rạ nữa khiến nhiều người tham gia giao thông cảm thấy khó thở. Vừa qua, mạng xã hội lan truyền hình ảnh những đám khói trắng bốc lên nghi ngút trên khắp các cánh đồng Phước Lộc đoạn QL1A tạo ra một bầu không khí vừa nóng bức vừa ngột ngạt, khó thở. Thậm chí, cháy lan luôn chiếc máy cày của chú nông dân chở rơm😢😢 một sự việc hy hữu không mong muốn nhưng nó cũng xuất phát từ việc đốt rơm rạ này.

 

️Không những thế, những cánh đồng rơm rạ được đốt sát bên lề đường QL1A tạo ra làn khói cản trở sự lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông. Khói làm giảm tầm nhìn của các phương tiện, gây ra hiện tượng lóa mắt, mờ mắt hoặc không nhìn thấy gì do khói quá dày và trắng. Thực tế đã có không ít các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra có liên quan tới khói rơm.🥲 Bên cạnh đó, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của mọi người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, những người mắc bệnh về đường hô hấp.

 

Về pháp lý, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực. Khi đó, hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 41 của nghị định quy định: Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

 

Một số giải pháp có thể khắc phục:

️Cần tăng cường các biện pháp giáo dục và tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác cho mỗi người dân trong việc thu gom lúa và đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch.

️Thay vì đốt rơm để lấy tro bón ruộng chỉ được một lượng ít chất dinh dưỡng cho đất thì người nông dân có thể ủ mục rơm, như vậy sẽ đem lại lượng phân vi sinh nhiều hơn.

️ Các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu cung cấp các chế phẩm sinh học cho các người nông dân và hướng dẫn việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

 

 

CẢNH GIÁC HÀNH VI VI PHẠM CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG LÀ NHÂN VIÊN GIAO HÀNG (SHIPPER)

 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022 và nhiều người cũng đã quen với việc mua hàng hóa trên không gian mạng, kèm theo đó là dịch vụ giao hàng tận nhà lại càng phát triển. Ngày nay, vận tải hàng hóa là một nghề phổ biến, nhiều công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa ra đời đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động phổ thông. Bởi vậy, đây là một nghề phát triển rất nhanh, thu hút lực lượng lao động lớn và không yêu cầu quá cao về bằng cấp hay kinh nghiệm.

Những người mua hàng hóa đều không đưa tiền trước cho các đơn vị cung ứng hàng hóa mà chọn phương thức thanh toán tiền trực tiếp cho nhân viên giao hàng. Lợi dụng sơ hở của người mua hàng và thiếu kiểm tra của công ty, nhân viên giao hàng sau khi giao hàng thành công và nhận tiền thu hộ nhưng báo về công ty chưa giao hàng thành công, khách hẹn hôm sau nhận hàng (hàng bị delay trên phần mềm kết nối với điện thoại di động) để chiếm đoạt số tiền thu hộ từ khách hàng.

Vừa qua, Công an TP Tuy Hòa đã điều tra khám phá, đưa ra truy tố trước pháp luật 02 đối tượng Cao Hữu Tâm và Cao Hữu Tiên là nhân viên giao hàng của công ty cổ phần giao hàng tiết kiệm, Tâm và Tiên nhiều lần chiếm đoạt tiền thu hộ từ khách hàng với tổng số tiền 121.577.000 đồng, Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tâm và Tiên về tội Tham ô tài sản, quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Các công ty giao hàng phải thường xuyên kiểm tra kỹ các đơn hàng mà nhân viên thông báo không giao hàng thành công (delay) để tránh tình trạng các nhân viên giao hàng gian lận rồi chiếm đoạt tiền thu hộ.

Nhân viên giao hàng đừng vì chút lòng tham bộc phát của cá nhân mà vướng vào vòng lao lý, tuy số tiền chiếm đoạt không lớn nhưng cái giá phải trả rất đắt, không thể nào tránh khỏi.

N.Đ.V

MÙA HÈ ĐẾN VỚI NỖI LO TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC

  

Một vấn đề mà các bậc làm cha mẹ hết sức bận tâm, lo lắng mỗi dịp hè về là tạo môi trường, sân chơi cho các con sau một năm học miệt mài, vất vả. Và đi tắm biển, tham gia các môn thể thao dưới nước là lựa chọn hàng đầu tuy nhiên, điều đó còn kéo theo cả nỗi lo về tai nạn đuối nước luôn chực chờ, tiềm ẩn trong những ngày hè.

Còn nhớ năm 2022, vụ việc 5 nam thiếu niên tắm biển tại bãi biển thành phố Tuy Hoà  gặp luồng nước xoáy, 2 em trong nhóm bơi được vào bờ, 3 em bị đuối nước được lực lượng cứu hộ đưa vào, nhưng 2 em đã tử vong. Hay ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên 2 thanh niên tử vong do đuối nước khi đi chơi. Những vụ việc này luôn gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn đuối nước, mặc dù vấn đề này luôn được các cơ quan chức năng, báo chí tuyên truyền, đưa tin.

Nhưng vẫn còn ở đó những vụ việc thương tâm và đau lòng, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường, dang dở những ước mơ đang còn viết tiếp. Nguyên nhân đuối nước hay xảy ra đối với trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Cho dù trẻ em không biết bơi lội hay biết bơi lội nhưng do sự chủ quan nên cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn.

Ngoài ra, môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước… không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước… không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Hơn nữa tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người… đã để lại các hố nước sâu gây nguy hiểm.   

 Để ngăn ngừa các vụ đuối nước khi mùa hè đến, ngay từ bây giờ, các trường học cần tăng cường tuyên truyền về nguy cơ đuối nước cho học sinh, thường xuyên lồng ghép những kỹ năng nhận biết nguy hiểm khi vui chơi dưới nước, cụ thể là hướng dẫn cho các em nhận biết các dấu hiệu của luồng nước chảy, cách gọi cứu hộ khi phát hiện trường hợp đuối nước. Song song đó, cách tốt nhất phụ huynh nên chủ động cho con mình sớm tham gia các lớp học bơi tại các trung tâm. Một khi được trang bị tốt kỹ năng về phòng chống đuối nước, trẻ sẽ an toàn hơn và có kỳ nghỉ hè vui tươi, bổ ích.

 

Đ.V.C