Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CÔNG CUỘC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

 

Thời gian gần đây, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta được đẩy mạnh, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được điều tra, làm rõ như: vụ Công ty Việt Á, vụ án “Chuyến bay giải cứu”, vụ Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC) sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán; vụ Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tân Hoàng Minh)… Qua các vụ án này, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố, bắt và đưa ra xét xử nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao có hành vi nhận hối lộ, tham nhũng, tiêu cực. Kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã góp phần ổn định chính trị xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ đảng viên, nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

Lợi dụng tình hình này, trên không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra hàng loạt những luận điệu chống phá, trong đó chúng liên tục đưa ra các lập luận để củng cố cho luận điệu: “Công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta chỉ là sự cấu kết, là cuộc chơi quyền lực, là đấu đá nội bộ”; “nó đưa ra những tín hiệu rõ ràng về việc quan chức và các nhóm lợi ích cần chọn lựa, gấp gáp cấu kết với những vị có quyền lực nhất trong bộ máy cầm quyền thì mới giữ được quyền  lợi, nếu không muốn bị trở thành củi đốt lò”... Các đối tượng phản động rêu rao rằng: “tham nhũng ở Việt Nam hiện đã trở thành hệ thống, bản chất và muốn chống không còn cách nào khác là phải thay đổi cơ chế, phải xoá bỏ chế độ”. Các thế lực phản động tập trung đưa ra các luận điểm “đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ đảng viên là đấu đá nội bộ, phe cánh, thanh trừng phe phái, ai đen thì chết”. Đây là luận điệu mà chúng kiên trì bằng mọi cách để đưa nó dần đi vào suy nghĩ, nhận thức của người dân. Chúng cố tình bôi đen công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; cho rằng việc bắt bớ nhiều, xử lý nhiều không làm ai run sợ, không hề có tính cảnh tỉnh, răn đe, ngược lại việc xử lý nhiều làm cho tình hình thêm phức tạp, nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, chúng còn quy kết rằng cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đang làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, làm tê liệt hoạt động kinh doanh, làm các nhà đầu tư nước ngoài lo sợ. Mục đích cao nhất của chúng là gây chia rẽ Đảng với dân, là làm nhiễu loạn, bất ổn xã hội, từ đó dẫn đến suy yếu về thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, đối với đất nước và đối với sự nghiệp Cách mạng của chúng ta. Đây thực chất là một nội dung trong âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng và văn hoá; chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ định vai trò lãnh đạo và chia rẽ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, chia rẽ khối đoàn kết của dân tộc, chia rẽ Đảng với dân.

Trước những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, việc người dân phải hiểu đúng về bản chất của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là rất quan trọng. Có như vậy mới không bị lung lay trước hàng loạt thông tin xấu độc đã, đang và sẽ được các thế lực thù địch đưa ra một cách có bài bản, liên tục và có hệ thống.

Tham nhũng, tiêu cực là thứ dịch bệnh làm hủy hoại niềm tin, hủy hoại bất kỳ thể chế chính trị nào. Nếu Đảng cầm quyền mà để dịch bệnh này hoành hành thì nguy cơ sẽ mất chế độ, vì vậy Đảng ta chủ trương khởi xướng đấu tranh phòng chống tham nhũng là quá hợp lòng dân, phù hợp với xu thế thời đại trong tình hình mới. Hơn 10 năm kể từ khi cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai trên quy mô lớn, hàng loạt những việc tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng, trong đó có cả những vụ việc nghiêm trọng, có sự cấu kết chặt chẽ giữa nhiều ngành, nhiều cấp, với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Dù là uỷ viên Bộ chính trị, anh hùng lực lượng vũ trang, là cán bộ đương chức hay đã về hưu đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi phạm pháp của mình. Mục đích cao nhất là đưa những con người không còn xứng đáng ra khỏi Đảng, củng cố năng lực và sức chiến đấu của Đảng; loại ra khỏi đội ngũ cán bộ Đảng viên những phần tử cản trở sự nghiệp của đất nước, đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tất cả những người hại nước, hại dân, tham nhũng chiếm đoạt tiền bạc của nhân dân, gây mất lòng tin của dân vào chế độ của Đảng và Nhà nước thì đều là những đối tượng cần phải đấu tranh.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được ví như một cuộc cách mạng thay cũ đổi mới, thay xấu đổi tốt. Như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ dạy: “Làm pháp luật phải thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nên những gì”. Quy trình xử lý những vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được thực hiện một cách nghiêm minh, đúng pháp luật, chặt chẽ, có trình tự và không bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, đã khắc phục phần nào hậu quả, thu hồi hàng trăm tỉ đồng do tội phạm tham nhũng gây ra.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một cuộc Cách mạng mà ở đó lực lượng chính là nhân dân. Đảng ta đã tạo ra được sự lan tỏa, đồng thuận mạnh mẽ trong nhân dân. Từ chủ trương, cách làm đúng đắn của Đảng, Nhà nước, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo ra được sức mạnh lòng dân với sự đồng thuận, ủng hộ ngày càng cao. Công cuộc “đốt lò” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như Bộ chính trị, Ban Bí thư bắt đầu cũng lâu rồi, làm từ từ, dần dần, từ nhỏ đến to, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng chính là sự đấu tranh mạnh mẽ để đảm bảo sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, chỉ có đấu tranh mạnh mẽ thì chúng ta mới có những người cán bộ tốt, có phẩm chất, năng lực để làm được và hướng dẫn người dân thực hiện được các Nghị quyết của Đảng, mới làm cho nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, giàu mạnh./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét