Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

VẤN NẠN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TIẾP TỤC CÓ CHIỀU HƯỚNG XẤU

 

Bạo lực học đường tiếp tục là một trong những vấn nạn đáng báo động không chỉ riêng của mỗi gia đình, nhà trường mà là của toàn xã hội bởi những hậu quả mà nó mang lại đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như tinh thần và nặng hơn là tính mạng của trẻ đang trong độ tuổi hoàn thiện bản thân. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên mà thậm chí các em nhỏ ở cấp tiểu học cũng có thể thực hiện hành vi bạo lực học đường hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Một cái đấm, một cái tát, một cú đá hay những lời chửi rủa, tất cả đều là những hành vi bạo lực có thể gây ra hậu quả nặng nề về cả thể chất và tâm lý của nạn nhân, thậm chí ảnh hưởng đến nhân cách của những người bạo hành và bị bạo hành.

 

Điển hình như: Trong tháng 12/2022, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip dài hơn 02 phút ghi lại hình ảnh một thiếu nữ đánh dã man bạn nữ ngay trước cổng trường THCS Phùng Giáo (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) trước sự thờ ơ vô cảm của nhiều người xung quanh. Và mới đây nhất dư luận xôn xao trước vụ việc nữ sinh N.T.Y.N học sinh lớp 10A15 trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường.

️Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, trong đó xuất phát từ nguyên nhân đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Khi các em nhận thức chưa đầy đủ về hành vi của mình, thiếu kỹ năng sống, dễ bị kích động, lôi kéo, thậm chí gây nên những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó, gia đình là yếu tố tác động rất lớn đến đứa trẻ nếu đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ nghiện ngập hay phạm pháp, thường xuyên sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề mâu thuẫn, xung đột... thì rất dễ hình thành tâm lý bạo lực trong trẻ.

 

Đôi khi, những đứa trẻ thực hiện hành vi bạo lực học đường với bạn không hiểu rõ hậu quả tai hại do mình gây ra. Cha mẹ cần giúp con hiểu và cam kết không tham gia vào việc bắt nạt chỉ để a dua theo nhóm bạn. Đặc biệt, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hành vi bạo lực học đường tới các em học sinh, cần có kế hoạch giám sát, bảo vệ trẻ cho đến khi nguy cơ bạo lực hoàn toàn biến mất. Trẻ phải được trang bị kỹ năng sống và rèn luyện bản lĩnh để đối mặt và vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc đời.

 

Gia Cát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét