Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

PHI LÝ TRONG VIỆC CẤM ĐÁNH BẮT CÁ Ở BIỂN ĐÔNG

 

Những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông trong khoảng thời gian nhất định, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 làm ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam.

Vừa qua, phía Trung Quốc ban hành Lệnh cấm đánh bắt cá thường niên trên Biển Đông, thời gian từ ngày 01/05/2023 đến ngày 16/8/2023, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là lệnh cấm đơn phương và phi lý của phía Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, các lợi ích biển, đảo của Việt Nam; vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông. Lệnh cấm bắt cá trên Biển Đông trong thời gian dài sẽ cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa các tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh của Trung Quốc, ảnh hướng xấu cho nghề cá và sinh kế của ngư dân.

Trung Quốc ban hành lệnh “cấm biển” này, ngoài việc bảo vệ nguồn lợi hải sản trong khu vực biển của mình, còn nhằm mục đích chính trị, thể hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán trên Biển Đông đối với vùng biển các nước khác. Do đó, lệnh “cấm biển” của Trung Quốc tác động liên quan đến an ninh trên vùng biển Việt Nam, trong đó có hoạt động khai thác hải sản của ngư dân, nhất là trong thời điểm Việt Nam đang nỗ lực tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không đúng quy định (IUU). Từ đó, các thế lực thủ địch, phản động lợi dụng kích động, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, trật tự như xảy ra tụ tập động người biểu tình phản đối, phá hoại tài sản liên quan đến Trung Quốc; ảnh hưởng nhất định đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân, nhất là ngư dân trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Bắc Trường Sa; tác động xấu đến tâm lý vươn khơi bám biển nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của ngư dân.

Trước những tác động xấu về an ninh trật tự có thể xảy ra đối với lệnh “cấm biển” trên của Trung Quốc, Việt Nam đã nhiều lần phản đối các lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc, đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, nhất là khu vực vùng biển ranh giới của 02 nước; các cơ quan quản lý biển, khai thác thủy sản tăng cường công tác tuyên truyền hành động phi lý của Trung Quốc để ngư dân vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản, cải thiện sinh kế, bảo vệ chủ quyền biển đảo; thường xuyên nắm tình hình hoạt động Trung Quốc bắt giữ tàu thuyền của ta trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để can thiệp ngoại giao khi cần thiết.

Do đó, ngư dân Việt Nam cần hiểu đúng bản chất phi lý đối với lệnh “cấm biển” của Trung Quốc, tiếp tục vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo và tích cực tuyên truyền, vận động người thân cùng tham gia những hoạt động này.

 

Hữu Nhiên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét