Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

NHỮNG BIỆN PHÁP PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG TRONG MÙA HANH KHÔ MÀ MỖI NGƯỜI DÂN CẦN LƯU Ý THỰC HIỆN

 

Năm 2022 trên địa bàn tỉnh Phú Yên không có vụ cháy rừng nào xảy ra, nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, nhất là trong khoảng thời gian tháng 4, tháng 5 vừa qua, đã xảy ra 07 vụ cháy rừng tại một số địa phương trong tỉnh gây thiệt hại tài sản hơn 34 ha rừng trồng, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước liên tục ghi nhận các đợt nắng nóng kỷ lục ở Bắc Bộ, Trung Bộ; ngày 06/5/2023, tại huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên ghi nhận nhiệt độ cao nhất tỉnh với 39,6°C (tỉnh Thanh Hóa ghi nhận nhiệt độ cao nhất Việt Nam từ trước đến nay với 44,1°C ). Các đợt nắng nóng đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và đe dọa sức khỏe của người dân, gây ra 07 vụ cháy rừng tại một số địa phương trong tỉnh (Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Đông Hòa…) làm thiệt hại lớn về tài sản, tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời gian tới, nhất là từ tháng 6 - 8/2023 tình trạng nắng nóng cao điểm sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh Phú Yên, gây nguy cơ cháy rừng rất cao, nhất là thời điểm này, người dân có nhiều hoạt động dễ gây cháy rừng như: xử lý thực bì, phát chồi, đốt rác, hun khói lấy mật ong,.. 

 Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, các ngành các cấp chính quyền đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách PCCCR như: Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PCCCR, tăng cường kiểm tra, giám sát về PCCCR; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCCCR và nguyên nhân, tác hại của cháy rừng, các quy định pháp luật về xử lý đối với người gây ra cháy rừng; hướng dẫn địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện tốt phương án PCCCR; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ, thường xuyên tuần tra, theo dõi nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng để có biện pháp tổ chức chữa cháy kịp thời.

Nhằm góp phần cùng các ngành, các cấp chính quyền trong công tác PCCCR; Mỗi tổ chức, hộ gia đình và từng cá nhân, nhất là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân là chủ rừng, sống ven rừng, phụ thuộc vào rừng phải trang bị kiến thức về PCCCR, ý thức được trách nhiệm của cá nhân trong công tác PCCCR và chủ động thực hiện một số biện pháp thiết thực, hiệu quả sau:

- Thực hiện nghiêm các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về PCCCR theo quy định của pháp luật.

- Khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện: biện pháp an toàn về PCCCR; không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 09 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều; trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, bản, tổ đội PCCCR. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.

- Sử dụng lửa ở những cơ sở, công trình, nhà ở được phép bố trí ở trong rừng phải đảm bảo không để cháy lan vào rừng; sau khi sử dụng lửa phải dập tắt hết tàn lửa.

- Bảo đảm an toàn về PCCCR khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và bảo quản, sử dụng chất cháy trong rừng và ven rừng.

- Không đốt rác tại các vị trí tiếp giáp ven rừng, khu vực có khả năng cháy lan vào rừng;

- Phối hợp với chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân sống gần rừng, cơ quan, tổ chức trên địa bàn trong việc bảo đảm an toàn về PCCCR; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng.

- Ngăn chặn và báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy rừng và hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCCR; báo cháy và chữa cháy kịp thời khi phát hiện cháy và chấp hành nghiêm lệnh huy động tham gia chữa cháy rừng của cơ quan có thẩm quyền.

- Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.

Mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng và tham gia cùng các cấp, các ngành thực hiện các biện pháp PCCCR, dù nhỏ nhưng sẽ góp phần rất lớn, giảm thiểu tác hại do cháy rừng gây ra, bảo vệ tài sản, tài nguyên rừng, môi trường sống của chính mình./.

                                                                                      SÂM LÂM

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét