Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

 

Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, phức tạp trên địa bàn huyện. Một số vụ xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục có cả những em bé còn ít tuổi. Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên xảy ra 08 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó 01 vụ cưỡng dâm, 06 vụ giao cấu và 01 vụ dâm ô. Trong 08 trẻ em bị xâm hại thì toàn bộ đều là nữ, và xảy ra tại các vùng nông thôn. Các vụ việc trên để lại những hậu quả đau lòng dẫn đến trẻ em bị trầm cảm, chấn động tâm lý, có thai…

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng xảy ra nhiều vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là:

- Nhận thức của xã hội về vấn đề này còn thấp, cả người phạm tội và người bị hại, nên loại tội phạm này còn chưa bị phát hiện nhiều; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội; đa số gia đình các nạn nhân bị xâm hại tình dục đều có tâm lý e ngại, sợ dư luận, mặc cảm hoặc bị đe dọa nên thường giấu giếm, lo ngại ảnh hưởng đến danh dự.

- Cha mẹ ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ, và đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội. Việc cha mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái ở một số gia đình cũng khiến cũng là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em.

- Một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục.

- Chưa kể, sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng Internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm cũng góp phần dẫn đến lối sống lệch lạc về tình dục ngày càng trở nên phổ biến.

- Bên cạnh đó, một số trường học chưa chú trọng đưa nội dung giáo dục giới tính và tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, dẫn tới trẻ có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em khác.

 

 

 

 


Để phòng ngừa tội phạm này, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các giải pháp như: Thường xuyên tiến hành tuyên truyền pháp luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng; nâng cao nhận thức pháp luật, vai trò của gia đình, nhà trường trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục. Có thể dạy cho trẻ em biết rằng không ai được chạm vào “chỗ riêng tư” của trẻ. Dạy cho trẻ biết những hành vi lạm dụng tình dục là phạm pháp và quyền mình được bảo vệ và tự bảo vệ. Dạy cho trẻ hiểu thân thể là “tài sản riêng” của chúng. Trẻ có quyền từ chối những cái ôm hoặc những tiếp xúc gây khó chịu. Cha mẹ không nên né tránh mà cần thường xuyên trò chuyện với con cái về những vấn đề tế nhị. Khuyến khích con đặt câu hỏi về các vấn đề khác nhau trong cuộc sống cũng như câu hỏi về những vấn đề sâu kín. Bên cạnh đó, bố mẹ cần cố gắng tìm hiểu và hòa đồng với bạn bè của con, vì qua đó bố mẹ có thể có được những thông tin cần thiết. Cần dạy trẻ không bao giờ được đi vào chỗ kín, nơi vắng vẻ với một ai nếu không có sự đồng ý của bố mẹ. Trang bị cho con biết cách phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Không cho trẻ ăn mặc hở hang vì dễ gây kích thích sự ham muốn đối với những kẻ có ý xấu. Có thể thấy, thầy cô giáo và bố mẹ trẻ có vai trò rất quan trọng, thường xuyên giáo dục, chia sẻ, quan tâm, cảm thông với trẻ để phát hiện các biểu hiện của hành vi xâm  hại tình dục trẻ em.

Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình kịp thời trình báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết. Gọi 113 hoặc đến các trụ sở công an gần nhất trình báo, yêu cầu giúp đỡ, bảo vệ và tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em.

Trẻ em là tương lai của đất nước. Để ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cần chú trọng tuyên truyền pháp luật, làm cho mỗi người nhận thức đầy đủ rằng bảo vệ trẻ em không thuần túy là tình thương và đạo lý mà còn là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội, tất cả cùng chung tay, chung sức để đem lại cho trẻ em một cuộc sống bình yên, hạnh phúc./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét