Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023

SÁCH TRẮNG - “TUYÊN NGÔN” VỀ TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM

 

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Cuốn sách cung cấp những thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; chính sách tôn giáo ở Việt Nam; thành tựu cũng như thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

Tại buổi họp báo công bố Sách trắng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ ông Nguyễn Tiến Trọng nêu rõ: Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, đồng thời là một nhân tố xã hội và văn hóa tích cực góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Các tôn giáo du nhập từ bên ngoài cũng có quá trình tiếp biến với văn hóa Việt, tạo ra nét riêng của tôn giáo Việt Nam. Việt Nam là đất nước ôn hòa trong quan hệ giữa các tôn giáo; có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Việc chung sống hòa bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội Việt Nam đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo và không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo...

Ngoài ra, Nhà nước, chính quyền địa phương cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật. Hiện nay, Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và29.658 cơ sở thờ tự.

Ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có khoảng 124 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo với hàng trăm tín đồ, góp phần minh chứng cho sự tự do và đa dạng tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa phương ở cấp cơ sở. Các tổ chức tôn giáo cũng được tham gia vào đời sống chính trị xã hội. Quốc hội khóa XV có 05 vị chức sắc trúng cử đại biểu, có 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh, cấp huyện là gần 500 người và cấp xã là hơn 5.600 người.

Sách trắng khẳng định các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt, đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, đã có hàng chục văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân. Nhờ đó mà số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân được đảm bảo tốt hơn, các cơ sở thờ tự ngày càng được khang trang, quan hệ quốc tế của các tôn giáo ngày càng được mở rộng, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được công khai theo quy định của pháp luật...

Đặc biệt, các hoạt động tôn giáo lớn đã trở thành lễ hội của người dân Việt Nam như: Lễ Phật đản của Giáo hội phật giáo Việt Nam, Lễ Giáng sinh, Phục sinh của đạo Tin Lành, Công giáo, các lễ hội của Đền thờ, dinh, lăng... và hàng nghìn lễ hội khác liên quan đến hoạt động của các tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. Đây chính là những minh chứng sống động, chân thực về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Vì vậy, việc ra đời của Sách trắng là một khẳng định đanh thép “Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét