Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, BỊA ĐẶT TRÊN MẠNG XÃ HỘI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

 

Việc xuyên tạc, bịa đặt lịch sử cũng là trong một chủ đề quen thuộc mà các thế lực thù địch tận dụng triệt để để khai thác và tuyên truyền trên mạng xã hội. Trên thực tế, biểu hiện xuyên tạc lịch sử dân tộc có nguồn gốc và chịu tác động từ âm mưu “diễn biến hòa bình” đã tồn tại lâu dài từ trước của các thế lực thù địch. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, phương thức thủ đoạn của những đối tượng này có sự thay đổi theo hướng tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát hơn nhờ những ứng dụng của khoa học công nghệ. Cứ mỗi lần nước ta tiến hành kỷ niệm những ngày lễ liên quan đến lịch sử dân tộc, thì các đối tượng này liên tục cho đăng tải những luận điệu xuyên tạc nhằm hạ thấp đi ý nghĩa của các sự kiện đó như sự kiện Cách mạng Tháng 8 năm 1945 hay Đại thắng mùa Xuân 1975… mà các thế lực thù địch, phản động thường hay gọi với một cái tên khác đó là “Ngày quốc hận”.

Một trong những luận điểm xuyên tạc khác mà chúng ta không thể không nhắc đến là những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về bản chất dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa. Những đối tượng phản động, thù địch đã đăng tải những bài phân tích xuyên tạc nhắm đến những điểm nóng được xã hội quan tâm và cho rằng người dân Việt Nam không có quyền tự do dân chủ và tự do ngôn luận. Những luận điểm này của chúng núp bóng dưới vai trò của một người công dân yêu nước, muốn cho Việt Nam ngày càng tiến bộ hơn. Nhưng về bản chất chúng luôn muốn thay đổi chế độ chính trị, việc đòi đa nguyên đa đảng chính là muốn cướp đi quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, điều được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhằm từng bước chuyển hóa chế độ xã hội Việt Nam sang con đường tư bản chủ nghĩa và hiện thực hóa âm mưu “diễn biến hòa bình”. Do vậy, những vấn đề tồn tại của xã hội như nạn tham nhũng hay những bất cập còn tồn tại trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã và đang được các thế lực thù địch khai thác một cách triệt để để xuyên tạc bản chất dân chủ, lên án chế độ chính trị đồng thời kết hợp sức mạnh lan truyền của Internet cũng như mạng xã hội đã tạo nên những chủ đề nóng mà chúng ta cần phải đấu tranh để giành được niềm tin của người dân.

Đứng trước tình hình đó, mỗi cán bộ và người dân cần phải có cái nhìn đúng về xu thế của thời đại, cũng như hiểu rõ được bản chất vấn đề mà các thế lực thù địch đang tận dụng khai thác nhằm thực hiện những ý đồ của chúng.

Thứ nhất, mỗi cán bộ và người dân phải hiểu rõ bản chất của mạng xã hội cũng như nắm bắt được xu thế phát triển của nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam. Từ đó sẽ có những phương án, giải pháp đấu tranh phù hợp để hạn chế những tác động tiêu cực từ mạng xã hội hoặc từ các thế lực thù địch có thể mang lại.Thậm chí có thể sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền và đấu tranh trực tiếp với các đối tượng đó.

Thứ hai, phải tự trang bị cho bản thân kiến thức lịch sử và kiến thức chính trị để không bị lung lay trước các luận điệu tuyên truyền sai trái của các thế lực thù địch. Từ đó có khả năng phân tích, giải thích cho người dân hiểu được các quan điểm đúng sai để không bị những đối tượng này định hướng và kích động theo dư luận.

Thứ ba, không ngừng cập nhật thông tin về các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, để có được cái nhìn đúng đắn hơn về các quan điểm của Đảng và Nhà nước. Tăng cường cập nhật kiến thức về luật, đặc biệt luật An ninh mạng để làm cơ sở đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội. Đồng thời tuyên truyền tới người dân hiểu rõ được những kiến thức này, giúp cho họ có khả năng tự phòng vệ trước những luận điệu xuyên tạc, sai trái trên mạng xã hội.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét