Biển, đảo Việt Nam là bộ phận lãnh thổ
thiêng liêng của Tổ quốc, cấu thành chủ quyền quốc gia, cửa ngõ giao lưu quốc tế,
có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất
nước, là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ phía
Đông của đất nước. Với tầm nhìn về vai trò quan trọng của biển đảo, ông cha
chúng ta từ xa xưa đã đổ biết bao công sức để khai phá, xác lập và thực thi chủ
quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển, đảo
khác.
Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể
tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định
chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển,
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật biển năm 1982, thông
qua nhiều bằng chứng pháp lý và lịch sử thuyết phục bằng các biện pháp hòa
bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước
Cộng hòa XHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa của Việt Nam - là văn bản pháp quy đầu tiên và là cơ sở nền tảng
cho các văn bản pháp quy sau này. Tuyên bố xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng
200 hải lý, không chỉ giới hạn trong quyền đánh cá mà còn có các quyền chủ quyền
và quyền tài phán khác. Tuyên bố này được đưa ra khi Công ước Luật Biển 1982
đang được xây dựng, phản ánh xu thế được đa số các nước ủng hộ tại Hội nghị Luật
Biển lần thứ 3, thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào quá trình pháp điển hóa
tiến bộ luật biển quốc tế.
Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra
Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển, trong đó khẳng định chủ quyền
của Việt Nam đối với nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối
với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt
Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế,
yêu cầu các nước tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam. Đồng thời, Nghị quyết
còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất
đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên
tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc
tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982.
Là thành viên Công ước Luật Biển 1982,
Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200
hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Diện tích các vùng biển và thềm lục
địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi đối với vùng biển và tài
nguyên theo quy định của Công ước là khoảng gần 1 triệu km, gấp 3 lần diện tích
lãnh thổ đất liền.
Phù hợp với các quy định của Công ước Luật
Biển 1982, Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm thống nhất quản
lý việc hoạch định, sử dụng, khai thác tài nguyên biển và quản lý các vùng biển,
thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển
giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt
Nam là hết sức thiêng liêng, nhưng hết sức khó khăn và lâu dài. Việt Nam vẫn
kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp
quốc tế, cả ở thực địa và trên mặt trận ngoại giao để giữ vững chủ quyền đối với các vùng biển, vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật
pháp quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét