Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

TAI NẠN GIAO THÔNG – TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

 

TAI NẠN GIAO THÔNG – TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

 

Gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như: Vụ TNGT ô tô chở khách xảy ra ngày 21/02/2023 trên tuyến quốc lộ 1A thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, làm 10 người chết, 11 người bị thương; vụ TNGT xảy ra ngày 03/4/2023 tại tuyến đường ĐT643 thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên do xe ô tô tải bị mất phanh làm 04 người chết, 05 người bị thương; mới đây nhất là xe ô tô khách Thành Bưởi gây TNGT trên tuyến QL20 làm chết 05 người, bị thương 04 người…

Trước hết, dễ dàng nhận thấy nhất chính là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của nhiều người dân còn ở mức thấp, những hành vi vi phạm được bắt gặp phổ biến trên mọi cung đường, thậm chí việc vi phạm giao thông được xem là “điều bình thường”, “hiển nhiên”, họ không cảm thấy xấu hổ khi vi phạm; hoặc thấy người khác vi phạm cũng chỉ là việc “bình thường ở huyện”. Nhiều người có tâm lý chỉ chấp hành quy định khi nào có bóng dáng của lực lượng CSGT, còn khi không có lực lượng chức năng thì họ thản nhiên vi phạm, mặc cho nhiều nỗ lực của chính quyền, của các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, giáo dục việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông. Thậm chí có một số người đã có hành vi chống đối lực lượng CSGT.

Vai trò trách nhiệm của lực lượng CSGT là rất quan trọng nhưng cũng chỉ là một yếu tố, một mảng trong bức tranh tổng thể chung, và chỉ với nỗ lực của lực lượng CSGT không thôi thì chưa đủ, mà cần lắm sự đồng bộ của tất cả các yếu tố, nhất là những yếu tố mang tính căn cơ như: đào tạo, cấp GPLX để khi người được GPLX phải hiểu rõ, nắm vững pháp luật về TTATGT, đủ kỹ năng điều khiển xe an toàn, phải hiểu được vai trò, trách nhiệm, đạo đức của bản thân khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới; và công tác quy hoạch, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, ngày càng hoàn thiện; công tác kiểm định không còn tình trạng phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn vẫn tham gia giao thông.

Ngày 31/8/2023, Chính phủ đã có tờ trình Dự án Luật Trật tư, an toàn giao thông, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XIV. Hy vọng rằng, khi Luật mới được ban hành sẽ giải quyết căn cơ tất cả những yếu tố còn tồn tại trên, dẫn đến tình trạng TNGT phức tạp hiện nay, và chỉ khi vai trò trách nhiệm của từng ngành, từng cấp được quy định rõ, ai chịu trách nhiệm chính, ai chịu trách nhiệm phối hợp thì mới mong tình hình thật sự chuyển biến. Và dù có giải quyết tất thảy những vấn đề tồn tại từ công tác quản lý thì yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn chính là tinh thần tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân, chỉ khi mọi người có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho chính mình và những người tham gia giao thông khác, nhường nhịn, ứng xử văn hoá thì mới mong có môi trường giao thông an toàn, lành mạnh.

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét