Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa
đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn
thông, mạng internet, mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn mới,
tinh vi, gây thiệt hại về tài sản của người dân.
Ngoài các thủ đoạn phổ biến như: Tặng quà rồi lừa đảo;
chiếm quyền quản trị hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người khác rồi
nhắn tin, lừa gạt người thân quen của chủ
tài khoản chuyển tiền sau đó chiếm đoạt; Tạo lập các website sàn giao dịch tài
chính, ngân hàng, thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế để lôi kéo người dân
tham gia đầu tư, sau đó can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt số tiền của người
tham gia...
Kể từ đầu năm 2023
đến nay, nổi lên một số thủ đoạn như:
1. Các đối tượng đánh vào tâm lý của những người đang
cần tiền kinh doanh, tiêu xài, muốn được vay với số tiền lớn nhưng lại gặp khó
khăn do dính nợ xấu hoặc không đủ điều
kiện vay vốn tại các tổ chức tài chính. Từ đó, các đối tượng mạo danh một số
ngân hàng và các công ty tài chính có thật
tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để
chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt
thấp. Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người
vay cung cấp thông tin cá nhân, như: họ
tên, số điện thoại, ảnh chụp CMND/CCCD, ảnh chụp chân dung dùng để phục vụ làm
hồ sơ vay. Sau khi dẫn dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục
viện dẫn hàng loạt các lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi
khai hồ sơ của người vay (như khai sai tên người hưởng thụ, đổi cách viết tên người hưởng thụ
từ chữ in thường sang in hoa, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên
số căn cước công dân...). Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản
tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại
số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài
khoản của các đối tượng cung cấp, các đối
tượng sẽ lập tức chiếm đoạt tài sản.
2. Giả danh Công an, Tòa án gọi điện thoại thông báo
người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử
phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công
tác điều tra, xử lý. Khi người dân lo sợ và
chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng chuyển
tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác
để chiếm đoạt.
3. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền
nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo
tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện
hành chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn
hàng, trang thương mại điện tử như: Lazada, Shopee... và chạy quảng cáo, khi bị
hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ kết bạn Zalo để
tư vấn. Ban đầu đối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ để bị hại
chọn và xác thực đơn, chụp ảnh đơn hàng gửi cho đối tượng qua Zalo, Facebook
chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp và được các đối tượng chuyển
lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 3-20%. Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách
trả gốc và hoa hồng như cam kết ban đầu, đối tượng viện dẫn nhiều lý do khác
nhau và gửi các đường dẫn sản phẩm trên sản
Lazada, Shopee... có giá trị lớn hơn và tiếp tục yêu cầu bị hại chụp lại
hình ảnh sản phẩm đồng thời chuyển tiền. Khi đã nhận được, đối tượng không chuyển
tiền mà tiếp tục thông báo cho cộng tác viên phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ
khác thì mới được chuyển lại tiền và hoa hồng. Sau đó các đối tượng chiếm đoạt
tiền của bị hại.
* Trước các thủ
đoạn lừa đảo tinh vi, có nhiều diễn biến phức tạp trên không gian mạng, người dân cần chú ý:
- Không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân
hàng, số điện thoại và địa chỉ của mình
trên các trang mạng và cho những người không quen; kiểm tra kỹ thông tin trước
khi chuyển tiền vào tài khoản của bất kỳ
ai.
- Luôn kiểm tra địa chỉ website trước khi truy cập.
- Không mở các tin nhắn, email từ nguồn không rõ ràng.
- Không đưa tiền trước khi nhận được sản phẩm hoặc dịch
vụ.
- Luôn đề cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc
gọi video qua các ứng dụng mạng xã hội với
nội dung vay mượn tiền, chuyển tiền gấp.
- Liên hệ cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu
lừa đảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét