Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2023

Nhận diện, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng “Việt Nam không có bình đẳng dân tộc”

 

Nhận diện, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch

cho rằng “Việt Nam không có bình đẳng dân tộc”

 

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, nhất là số phản động lưu vong tuyên truyền cho rằng ở Việt Nam luôn có sự bất đồng và mâu thuẫn giữa các dân tộc với nhau, nhất là mâu thuẫn giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số (DTTS), chúng cho rằng: “vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc vẫn còn nhức nhối”; “bình đẳng giữa các dân tộc và hòa hợp dân tộc vẫn chưa thực hiện được tại Việt Nam”… Lợi dụng việc thiếu hiểu biết của một số người dân tộc thiểu số về chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch, phản động đã kích động, lôi kéo người DTTS chống chính quyền, điển hình như vụ khủng bố xảy ra ngày 11/6/2023 tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Cần phải khẳng định rằng, chính sách dân tộc và bình đẳng giữa dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam; từ Đại hội lần thứ II đến lần thứ V đều nhấn mạnh nguyên tắc “Đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc”; từ Đại hội lần thứ VI đến lần thứ XI, nguyên tắc này tiếp tục được khẳng định, bổ sung và phát triển lên tầm cao mới, cụ thể: “Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau” (Đại hội VI, VII), “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ” (Đại hội VIII), “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển” (Đại hội IX), “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” (Đại hội X), “Bình đẳng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển” (Đại hội XII). Đến Đại hội lần thứ XIII Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Ngoài ra, vào từng thời điểm cụ thể, Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS để từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển, sự phân tầng xã hội theo phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó, nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả trên thực tế, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển kinh tế xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việt Nam có 54 dân tộc anh em chung sống lâu đời và hòa thuận với nhau (trong đó người DTTS chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước), mặc dù người Kinh chiếm đa số nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vai trò tham gia vào bộ máy chính quyền của người DTTS ngày càng được bảo đảm, đơn cử như số lượng đại biểu Quốc hội là người DTTS đã tăng dần theo các khóa: Khóa I 10,2%; khóa XIII 15,6%; khóa XIV 17,3% và  khóa XV là 17,84%...

Qua đây cho thấy luận điệu xuyên tạc “Việt Nam không có bình đẳng dân tộc” chỉ nhằm kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phá hoại sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét