Hiện tại Bộ
Công an đang tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở
cơ sở để trình Quốc hội khoá XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6. Đây là một
trong dự dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng
lớp nhân dân. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có quá trình
hình thành và phát triển qua các thời kỳ cách mạng; đây chính là tai, là mắt,
là cánh tay nối dài của lực lượng Công an nhân dân tại địa bàn cơ sở; tham gia
bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp
luật khác về an ninh, trật tự ở cơ sở; làm nòng cốt trong phong trào xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội,
góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa
bàn cơ sở, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá
cao. Điều 46 Hiến pháp năm 2013 có quy định mọi công dân đều có
nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Luật Công
an nhân dân quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia, phối
hợp, cộng tác, hỗ trợ Công an nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền
hạn theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, thời gian qua đã có rất nhiều lực lượng tình
nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện
nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Nhưng hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng
cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc thì chỉ có 03 lực
lượng, đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách. Mục tiêu
của việc xây dựng Luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 03
lực lượng sẵn có thành 01 tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng
cốt trong hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc ban
hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là hết sức cần thiết, đáp ứng
yêu cầu đòi hỏi khách quan đặt ra, bởi vì:
Một là, xây dựng Luật Lực lượng tham gia
bảo vệ ANTT ở cơ sở là sự cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước
về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Hai là, hiện nay, nền tảng của lực lượng
bảo vệ ANTT ở cơ sở là sẵn có, chỉ thiếu cơ sở pháp lý để thống nhất các lực
lượng dẫn đến nhiều vướng mắc, bất cập, có tình trạng lạm quyền, không làm hết
trách nhiệm, rất khó trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện, đòi hỏi phải được chuẩn
hóa, đưa vào luật.
Ba là,
“Lấy dân làm gốc” là nguyên tắc cơ bản, mục tiêu xuyên suốt của dự thảo luật và
phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Việc xây dựng, tổ
chức lại lực lượng tham gia bảo vệ ANTT không làm tăng biên chế, tăng ngân sách
nhà nước.
Bốn là, trong đời sống xã hội, lực lượng
tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã phát huy tích cực thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bảo
đảm ANTT địa bàn dân cư, sát dân, hiểu, nắm được tâm tư, nguyện vọng nhân dân,
góp phần tham gia tổ chức, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ
quốc.
Do đó, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ giúp nâng cao hơn nữa
chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn
cơ sở trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu bảo
vệ và phát triển đất nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét