Gia đình là tế bào của xã hội, một xã hội
muốn tốt đẹp thì mỗi tế bào ấy phải thực sự khỏe mạnh. Không những thế, gia
đình còn là tổ ấm, mang lại sự bình yên, là khuôn thước hình thành nhân cách mỗi
con người.
Tuy nhiên hiện nay bạo lực gia đình (BLGĐ)
đã trở thành vấn nạn, nó gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người nhất
là đối với phụ nữ, trẻ em. Đa phần thì BLGĐ là do người chồng, người cha sử dụng
bạo lực với vợ con, nhưng hiện nay hiện tượng vợ sử dụng bạo lực đối với chồng
cũng không phải là hiếm gặp; rồi ngày càng nhiều bạo lực giữa con cái với cha mẹ.
Thực tế, số vụ bạo hành còn cao gấp nhiều
lần, nhưng không phát hiện được, bởi lẽ hầu hết nạn nhân không dám thổ lộ vì không
muốn “vạch áo cho người xem lưng”.
Bạo lực gia đình bao gồm: Bạo lực về tinh
thần, bạo lực về thể xác, bạo lực về kinh
tế, bạo lực tình dục,..
Về nguyên nhân: Cơ bản nhất là do nhận thức
về bình đẳng giới, với tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ khiến nam giới trở
nên gia trưởng luôn cho mình là đúng và được phép bạo hành với vợ con. Nguyên
nhân về trình độ học vấn, kinh tế… Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về
bạo lực gia đình còn chưa đạt hiệu quả
cao và sự hiểu biết pháp luật của cộng đồng còn hạn chế.
Hệ lụy từ bạo lực gia đình: Chính từ những
đứa trẻ sống trong những gia đình thường bị bạo hành dần dần hình thành trong
trẻ bản tính thích giải quyết mọi việc bằng vũ lực, bằng nấm đấm. Vì tâm hồn của
trẻ con rất non nớt và dễ bị tổn thương do rối loạn tâm lý, việc chứng kiến cảnh
bố mẹ thường xuyên cãi nhau dễ dẫn đến việc bé sẽ luôn sống trong lo lắng, sợ hãi. Nếu bố mẹ cứ tiếp tục như thế thì nỗi u uất
này sẽ càng lớn hơn, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm khiến nhiều
trẻ bỏ nhà đi lang thang hoặc chỉ muốn tự tử.
Do vậy các ông
bố bà mẹ cần học cách kiềm chế và bình tĩnh giải quyết vấn đề khi xảy ra mâu
thuẫn, để tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ nhỏ. “Một điều nhịn là chín điều
lành”, cha mẹ cần gìn giữ gia đình hạnh phúc và trở thành tấm gương cho con trẻ
noi theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét